Tên Việt Nam: Đồi Mồi
Tên Latin: Eretmochelys imbricata
Họ: Vích Cheloniidae
Bộ: Rùa Testudinata
Đặc điểm nhận dạng:
Có mai hình ôvan, viền ngoài mai có các khía nhọn. Trên mai có 4 đôi tấm vảy đối xứng dạng lợp ngói (trừ Đồi mồi con và thỉnh thoảng ở một vài con trưởng thành), chiều dài thẳng mai khoảng 90cm. Đầu nhọn, rộng khoảng 12cm, miệng có dạng như mỏ diều hâu, phần trước đầu có 2 tấm vảy. Trên mỗi chân bơi có 2 móng vuốt sắc. Mai rùa mới nở màu vàng đen (từ vàng tối đến vàng sáng), sau đó chuyển dần sang màu vàng nhạt. Bụng có màu vàng sáng đến trắng. ở viền ngoài yếm có 4 đôi tấm xương.
Sinh học, sinh thái:
Loài có kích thước nhỏ so với các loài rùa biển khác. Chiều dài trung bình không vượt quá 1m. Trọng lượng trung bình của rùa trưởng thành khoảng 60kg, tối đa là 80kg. Mùa đẻ trứng tháng 2 - 6, mỗi lần đẻ từ 70 - 130 trứng. Các ổ trứng sâu 40 - 50cm, thời gian ấp trứng là 55 - 60 ngày. Thành phần thức ăn: các loại hải miên, san hô mềm, cá, tôm, cua, các loại rong và cỏ biển. Sinh cảnh làm tổ thường cách biệt (cả về không gian lẫn thời gian) với các sinh cảnh do các loài rùa biển khác. Nơi sinh sống: vùng triều, vùng khơi, ven đảo. Trước năm 1980 đã có trại giống và tổ chức nuôi ở Cát Bà (Hải Phòng) và Hà Tiên (Kiên Giang).
Phân bố:
Trong nước: ở khắp vùng biển Việt Nam trước 1990. Các tỉnh ven biển Việt Nam, chủ yếu Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận, Côn Đảo, Kiên Giang, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khu vực phân bố tập trung là xung quanh quần đảo Trường Sa, Côn Đảo và Phú Quốc.
Thế giới :
Vùng biển nhiệt đới, ôn đới Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương.
Giá trị :
Là một trong những loài quan trọng trong hệ sinh thái biển. Đồi mồi trở nên quan trọng cho các mục đích không săn bắt như: tham quan, du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học v.v.
Tình trạng:
Trước năm 1990, gặp phổ biến ở các tỉnh ven biển Việt Nam. Do nghề thủ công sử dụng mai, vảy làm đồ mỹ nghệ bán cho khách du lịch phát triển mạnh nên nguồn lợi này đã và đang bị suy giảm nghiêm trọng, vùng phân bố bị thu hẹp. Dự đoán số lượng giảm >50% do đánh bắt quá mức, hiện còn khoảng 1000 cá thể trưởng thành.
Biện pháp bảo vệ:
Đã đưa vào Pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản năm 1987. Đề nghị đưa vào Luật Thuỷ sản, tuyên truyền trên báo chí, đài... Cấm đánh bắt quanh năm bằng bất cứ hình thức và loại ngư cụ nào. Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, 2000. Biện pháp kỹ thuật: Quản lý khu bảo tồn các Vườn quốc gia ven biển, cho ấp trứng, thả Đồi mồi con ra biển và có đánh dấu.
No comments:
Post a Comment