Tên Việt Nam: Ếch Cây Kio
Tên Latin: Rhacophorus kio
Họ: Chẫu cây Rhacophoridae
Bộ: Không đuôi Anura
Đặc điểm nhận dạng:
Là loài ếch cây khá lớn, dài thân con đực 58 - 79mm. Mặt trên lưng và đầu mầu xanh lá cây hay xanh dương với những đốm trắng. Bụng vàng tươi, có đốm đen lớn trên nền vàng ở hai bên nách. Bàn chân tay có màng hoàn toàn, đĩa ngón rộng trên nền vàng của màng chân (màng tay của 3 ngón ngoài) có mầu đen hay tím sẫm. Màng chân lớn, nếp da bên cánh tay rộng giúp ếch có thể liệng từ trên cây cao xuống. Gót chân có nếp da nhọn. Mầu sắc con đực và con cái giống nhau.
Sinh học,sinh thái:
Loài này gặp ở hầu khắp các rừng ở trung du và miền núi đến độ cao 1500m. Thức ăn của ếch cây kio là sâu non, cánh màng, kiến, đó là những con mồi có sẵn trên cây. Ếch cây kio sinh sản từ đầu tháng 4 cho đến hết tháng 8. Thời gian sinh sản tập trung vào tháng 4 - 5 (Buôn Lưới), tháng 7 - 8 (Bến En). Vào những đêm mưa, ếch tập trung quanh các hồ nước trên các cành cây, thường số lượng con đực gấp đôi con cái. Trời tối hẳn chúng liệng từ trên cây cao 3 - 5m xuống mặt hồ, ghép thành đôi, con cái cõng con đực leo lên các cành cây ven hồ và các con đực khác củng bám theo tạo thành một nhóm từ 5 - 7 con đực cùng giao phối với 1 con cái. Thời gian giao phối từ 1 - 4 giờ. Trứng được đẻ và thụ tinh luôn cuộn trong những chiếc lá tạo thành những ổ bọt dài 18 - 22cm treo lơ lửng cách đất 0,5 - 1m. Nòng nọc phát triển trong ổ bọt rồi rơi xuống nước.
Phân bố:
Trong nước: Lào Cai (Sa Pa), Phú Thọ (Thanh Sơn, Vườn quốc gia Xuân Sơn), Thanh Hóa (Bến En), Hà Tĩnh (Hương Sơn), Quảng Bình (Phong Nha - Kẻ Bàng), Gia Lai (Buôn Lưới).
Thế giới: Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây), Lào, Thái Lan.
Giá trị:
Có giá trị khoa học và thẩm mĩ. Có gía trị nghiên cứu khoa học về sinh thái và tập tính của loài.
Tình trạng:
Diện tích phân bố khoảng < 5000 km2. Chỉ tồn tại ở 5 điểm. Nơi cư trú ngày càng bị thu hẹp nên số lượng của loài ngày càng suy giảm. Là loài thường bị buôn bán làm vật nuôi cảnh ở Việt Nam và quốc tế.
Biện pháp bảo vệ:
Chưa có biện pháp bảo vệ. Biện pháp hữu hiệu nhất là bảo vệ nơi cư trú của loài, cấm khai thác, chặt phá rừng ở những nơi có loài này cư trú.
No comments:
Post a Comment