Việc chế tạo thành công mục tiêu bay cho thấy công tác chuẩn bị cho bắn đạn thật tên lửa phòng không S-300 đã hoàn tất, chỉ còn thời điểm thích hợp mà thôi.
S-300 đã sẵn sàng bắn đạn thật từ... hơn 10 năm trước
Thật ra, nói sẵn sàng từ 10 năm trước là ý nói kể từ khi tiếp nhận và chính thức đưa vào biên chế, đến nay, những tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-300PMU1 vẫn chưa thực hành bắn đạn thật lần nào tại các trường bắn trong nước.
Còn trên thực tế, những kíp trắc thủ S-300 đầu tiên đã bắn đạn thật khi đi học chuyển loại và tiếp nhận vũ khí mới ở Nga theo hợp đồng đã ký, gồm cả chuyển giao vũ khí, khí tài và đào tạo kíp trắc thủ.
Trong đó, bắn đạn thật vừa để nghiệm thu khí tài, vừa coi như bài thực hành cuối khóa bắt buộc với bất kỳ học viên nào.
Khi đó, các kíp trắc thủ Việt Nam, dù lần đầu làm quen với khí tài tên lửa phòng không tầm xa hiện đại bậc nhất thế giới, nhưng đã xuất sắc diệt các mục tiêu theo những bài bắn với độ khó cao, khiến các giáo viên người Nga và chỉ huy trường bắn cũng phải khen ngợi.
Các kíp trắc thủ đã thể hiện được bản lĩnh người Việt và viết tiếp truyền thống của Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam là "ra quân đánh thắng trận đầu, diệt mục tiêu ngay từ quả đạn đầu" mà bao nhiêu thế hệ cha, anh đã dày công gây dựng và vun đắp.
Nhắc đến sẵn sàng là phải nhắc đến việc các đơn vị được trang bị tổ hợp tên lửa S-300 đều thường xuyên luyện tập, đã vươn lên làm chủ hoàn toàn vũ khí, trang bị hiện đại. Tuy chưa bắn thật, nhưng với khí tài mô phỏng họ vẫn đều đặn thực hành các bài bắn.
Kíp trắc thủ radar trong giờ huấn luyện thực hành. Ảnh: QĐND.
Bên cạnh đó, các đơn vị S-300 đều tích cực huấn luyện thành thục, khai thác tối đa tính năng triển khai, thu hồi nhanh của khí tài, chú trọng hành quân dã ngoại, nhất là trong điều kiện đêm tối. Điều đó đã được chứng minh bằng những hành động cụ thể.
Trong những năm gần đây, mỗi lần Quân chủng PK-KQ tổ chức bắn đạn thật, S-300 thường tham gia. Qua đó nâng cao trình độ của từng vị trí, cũng như trình độ hiệp đồng, phối hợp của tất cả các thành phần trong kíp chiến đấu tên lửa S-300.
Đồng thời, những thiếu sót, hạn chế bộc lộ qua những dịp này sẽ được phát hiện, uốn nắn và khắc phục kịp thời, góp phần đưa trình độ làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại đi vào thực chất và ở tầm cao mới.
Dù không tham gia bắn đạn thật và thường đứng chân triển khai ở cách trường bắn vài chục km, nhưng sự xuất hiện của S-300 trong mỗi lần "hội bắn" của Quân chủng, đã khiến cho không khí ngày hội trở nên náo nhiệt hơn.
Tại sao S-300 không triển khai ở ngay tại trường bắn, mà lại "đứng" cách đó vài chục km, đó là vì trường bắn của ta chưa đủ rộng, để khí tài tên lửa tầm xa như S-300 có thể bố trí, mà phải ở xa mới kiểm tra được thực tế tính năng của tổ hợp.
Tên lửa hành quân lên trường bắn trong đêm. Ảnh: QĐND.
S-300 sẽ bắn đạn thật bao nhiêu quả?
S-300PMU1 được thiết kế cho nhiệm vụ phòng chống các cuộc tiến công đường không ồ ạt ở mọi độ cao và tốc độ chiến đấu, cũng như hoạt động chế áp điện tử mạnh của các loại phương tiện chiến đấu đường không hiện tại và thế hệ mới của đối phương.
Nó có thể tiêu diệt các mục tiêu bay như máy bay chiến đấu các loại, vũ khí tấn công tầng thấp, tên lửa hành trình chiến lược, các loại tên lửa đường đạn chiến thuật, chiến thuật - chiến dịch hay tên lửa đường đạn hoạt động trong tầng khí quyển.
Tác chiến chống tập kích đường không hiện tại và tương lai có 2 loại vũ khí mà đối phương thường sử dụng nhiều nhất và ngay từ đầu đó là tên lửa hành trình chiến thuật, chiến lược và máy bay chiến thuật, chiến lược các loại, kể cả máy bay tàng hình.
Riêng tên lửa đường đạn chiến thuật, chiến dịch nếu đối phương sử dụng thì chắc chắn cuộc xung đột phải là quy mô rất lớn, nếu không nói là đánh tổng lực.
Khả năng này là thấp, nên nếu S-300 có bắn đạn thật sẽ chủ yếu tập trung vào 2 khoa mục đánh mục tiêu bay cỡ nhỏ hoặc có diện tích phản xạ radar nhỏ (như máy bay tàng hình) ở cự ly xạ kích hiệu quả tối đa.
Như vậy, S-300 sẽ không chế và diệt địch từ xa, không cho chúng vào đến khu vực kịp khai hỏa các loại vũ khí tiến công ngoài tầm hỏa lực của các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung, tầm gần.
Đây là những khoa mục rất khó, đòi hỏi kíp trắc thủ phải phối hợp nhịp nhàng, từ trắc thủ radar nhìn vòng cung cấp cảnh báo sớm, bám sát liên tục, cho tới kíp trắc thủ điều khiển chuyển cấp kịp thời để phóng đạn, tiêu diệt một cách chính xác.
Tóm lại, nhiều khả năng là mỗi kíp trắc thủ S-300 sẽ bắn 2 đạn, trong đó một đạn diệt mục tiêu cỡ nhỏ bay ở độ cao trung bình trở lên và đạn thứ hai diệt mục tiêu cỡ nhỏ bay bám địa hình ở độ cao siêu thấp.
Tất nhiên, ưu tiên hàng đầu là phải diệt chúng ở cự ly xạ kích hiệu quả tối đa nhằm kiểm tra và phát huy hết tính năng của khí tài.
S-300 được đánh giá là một trong những loại tên lửa phòng không tầm xa hiện đại nhất thế giới. Ảnh: QĐND.
Việc Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân (Quân chủng PK-KQ) đã chế tạo thành công mục tiêu cho tên lửa S-300, mở ra cơ hội và tạo tiền đề để trong thời gian tới các kíp trắc thủ S-300 thực hành luyện tập và bắn đạn thật trong thời gian thích hợp.
Được biết, mỗi quả đạn của S-300 có giá tới trên 1 triệu USD, khá tốn kém, nhưng chỉ có bắn đạn thật mới đánh giá hết được chất lượng của công tác huấn luyện.
Chúng ta hãy tin rằng, với 10 năm chuẩn bị, ngày ngày luyện tập với khí tài thật và "bắn" trên thiết bị mô phỏng đối mặt với các tình huống chiến đấu như thật, thì các kíp trắc thủ S-300 sẽ vượt qua được tâm lý hồi hộp, bình tĩnh, tự tin xuất sắc diệt mục tiêu.
No comments:
Post a Comment