Cơ thể của ếch thủy tinh ở rừng Amazon trong suốt nên chúng ta có thể thấy nội tạng của chúng, còn thằn lằn Basilisk có khả năng đi bằng hai chân trên mặt nước.
Kinkajou là loài động vật có vú thuộc họ Procyonidae. Dù liên quan đến gấu mèo Bắc Mỹ, gấu trúc, chúng lại rất giống loài chồn hoặc khỉ vì đuôi rất dài, thân hình nhỏ. Chúng không thuộc nhóm các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng mặc dù rất ít người nhìn thấy chúng do chúng kiếm ăn ban đêm. Do lông và thịt của chúng mang lại giá trị kinh tế lớn nên chúng đang trở thành mục tiêu của những kẻ săn thú. Ảnh: Lonely Planet
Lươn điện thực chất không liên quan tới loài lươn mà thuộc nhóm cá chình điện. Cơ thể của chúng có thể phát ra điện thế lên tới 650 V và có thể đoạt mạng người. Các vụ tử vong liên quan đến lươn điện chủ yếu xảy ra do các nạn nhân không biết bơi. Lươn điện sử dụng vũ khí lợi hại của chúng để giết mồi.
Ếch phi tiêu độc là tên gọi chung của một số loài ếch trong họ Dendrobatidae. Chúng là một trong những sinh vật có độc đáng sợ nhất thế giới. Màu sắc trên thân chúng rất sặc sỡ. Thổ dân da đỏ dùng các chất tiết độc từ da chúng để tẩm độc mũi phi tiêu nên chúng mang tên "ếch phi tiêu độc". Ảnh: animalstown.com
Kiến thợ săn khổng lồ hay kiến đạn là loài kiến độc. Chúng sống tại các khu rừng nhiệt đới từ Nicaragua, Honduras tới Paraguay. Có thể người ta gọi chúng là kiến đạn vì kích cỡ của chúng tương đương với một viên đạn, hoặc do chất độc mà chúng tiết ra khi chúng cắn đối thủ. Kiến đạn còn có tên khác là kiến 24 giờ vì nạn nhân của chúng sẽ chịu đau đớn trong 24 giờ sau khi chúng cắn.
Thằn lằn Basilisk có khả năng rất đặc biệt. Chúng chạy bằng hai chân trên mặt nước trong khoảng thời gian khá dài với vận tốc 8 km/h trước khi chìm xuống. Màng giữa các ngón chân giúp chúng tăng bề mặt tiếp xúc với mặt nước và tạo túi khí để tăng độ căng của mặt nước. Sau khi ngừng "khinh công", con vật buộc phải bơi.
Dơi bắt cá là loài dơi sở hữu móng vuốt để bắt cá, khác hẳn với các loài dơi ăn côn trùng. Chiều dài cơ thể chúng, kể cả thân lẫn đầu, là hơn 10 cm với trọng lượng từ 50 đến 90 g. Điều đặc biệt nữa của dơi bắt cá là chúng sở hữu mũi giống mũi chó.
Ếch thủy tinh là loài ếch có cơ thể trong suốt khiến chúng ta có thể thấy nội tạng bên trong con vật. Da màu xanh giúp chúng ngụy trang dễ dàng để trốn kẻ thù. Thức ăn của chúng là ếch nhỏ.
Đầu của những con rầy đầu hình củ lạc có chỗ lồi lên giống như củ lạc chưa bóc vỏ. Khi kẻ thù tấn công, mắt giả màu vàng phát quang của chúng hiện lên ở cánh sau và thải ra chất có mùi khó chịu để đuổi kẻ thù.
Potoo là loài chim có màu lông rất giống cành cây chết. Ban ngày, chúng đậu trên đỉnh cành cây khô để ngụy trang và rất hiếm khi bay. Chúng kiếm mồi vào ban đêm và thức ăn của chúng là côn trùng. Potoo cũng đẻ trứng ngay tại ngọn cây mà chúng đứng.
Candiru là loài cá da trơn nước ngọt sống ký sinh, có nguồn gốc từ lưu vực sông Amazon. Chúng hút máu và ký sinh trên mang của các loài cá lớn, đặc biệt là cá da trơn của họ Pimelodiae. Người ta còn gọi Candiru là cá bút chì vì thân hình chúng giống bút chì. Một tên khác của Candiru là cá ma cà rồng vì chúng có thể chui vào cơ quan niệu đạo của con người và sống ký sinh trong đó. Ảnh: photolibrary.com
No comments:
Post a Comment