Cách ăn của loài khủng long Diplodocus, sinh vật dài nhất từng sống trên Trái đất, vẫn còn là bí ẩn kể từ khi hoá thạch của chúng được phát hiện cách nay 130 năm.
Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Bristol, Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên London, Đại học Missouri và Đại học Ohio cho rằng, dựng mô hình 3D về bộ xương sọ của loài này sẽ giúp họ có câu trả lời.
Giáo sư Casey Holliday, Đại học Ohio cho biết: “Với mô hình xương sọ 3D, chúng tôi có thể mô phỏng lại 3 tình huống ăn của chúng: ăn thông thường, ăn từng nhánh cây, và ăn vỏ cây. Sau đó, chúng tôi sử dụng những phân tích dựa trên máy tính để xem mức độ áp lực mà xương sọ phải chịu trong từng tình huống.”
Theo Dailymail, mô hình xương sọ 3D do nhóm tạo ra dài hơn nửa mét và được đặt trên một cái cổ dài 6 mét.
“Các nhà khoa học ở đầu thế kỷ 20 nghĩ rằng loài khủng long này dùng hàm tuốt vỏ cây để ăn”, giáo sư Holliday nhận định. “Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cách ăn này sẽ tạo ra nhiều áp lực lên răng và xương sọ, dễ khiến chúng bị gãy hay hư hại. Mô hình của chúng tôi cho thấy việc ăn lá cây trên cành sẽ tạo ra ít áp lực, hay thậm chí là không có áp lực nào lên răng và xương sọ.”
Tiến sĩ Mark Young, Đại học Bristol cho biết, do loài bò sát này rất khác so với những loài vật ngày nay, nên không có loài thú nào để so sánh với chúng. Việc có được một mô hình như thế này là rất quan trọng để có thêm hiểu biết về những loài thú đã tuyệt chủng từ lâu.
Phát hiện này cũng giúp các nhà khoa học hiểu hơn về những loài thú to lớn ăn lá cây ngày nay như voi hay hươu cao cổ và cách chúng tương tác với môi trường xung quanh.
No comments:
Post a Comment