Friday, August 2, 2013

Tuyển tập "quái vật đại dương" qua phim chụp X-quang

"Zoom" vào cấu trúc bên trong của những động vật kỳ quái dưới đáy biển...

Đáy đại dương rộng lớn là niềm đam mê khám phá của biết bao con người. Nơi đây đa dạng và phong phú về chủng loại cũng như số lượng các sinh vật đẹp mắt và tất nhiên còn ẩn chứa những con quái vật kỳ lạ...

Hãy cùng khám phá sự ma quái ấy qua những bức phim chụp bằng tia X của nhiếp ảnh gia Sandra J.Raredon. Những tấm hình không tập trung miêu tả vẻ bề ngoài mà chúng cho ta thấy được cấu trúc bên trong của các sinh vật trên…

Bức ảnh ghi lại phim chụp X-quang của loài rắn biển Moray. Sống ở tầng san hô của biển khơi, hầu như không gây hại gì cho con người song nếu chỉ nhìn qua, phần lớn chúng ta sẽ có cảm nhận đây là một con quái vật thật sự. Nó dài tới hơn 1,5m, có hàm răng sắc nhọn, tất cả hiện lên ngay ở trong phim X-quang. Cùng khả năng bất động để chờ thời cơ chộp lấy con mồi với tốc độ như một tia chớp, sẽ không có gì sai khi đưa ra lời nhận xét trên.
Ảnh chụp một con cá Angler hình củ hành. Loài này sống chủ yếu ở tầng đáy đại dương, có hàm răng đáng sợ và cái bụng phình to. Trên đầu chúng có một cây đèn phát quang sinh học thu hút đặc biệt. Đây là loài cá ăn thịt, bộ hàm của chúng có thể nuốt trôi con mồi có kích thước lớn gấp đôi mình.
Cá dốc đầu có lẽ là cái tên đúng nhất miêu tả hình dáng những con cá lạ này. Đặc điểm nhận dạng của chúng là có cái đầu dẹt luôn chúc xuống cùng màu sắc khá nổi: xanh, bạc, vàng… làm nên sự hấp dẫn của chúng. Qua phim chụp X-quang, người xem còn trầm trồ kinh ngạc trước cấu trúc xương tinh tế cùng vây của cá dốc đầu. Loài này ưa sống ở những vùng nước nông phía Tây Đại Tây Dương.
Cá mập búa là loài vật xuất hiện tiếp theo. Trông chúng thực sự hung tợn nhưng thực ra, loài này vô hại với con người, thậm chí là “đặc sản” được nhiều người yêu thích. Cá mập búa sống chủ yếu ở khu vực biển châu Á. Do bị săn bắt nhiều, số lượng cá mập búa ngày nay bị suy giảm nghiêm trọng.
Cá Dory hồng - loài cá gợi nhắc chúng ta tới bộ phim nổi tiếng Finding Nemo. Qua phim chụp tia X, chúng ta có thể quan sát toàn bộ hệ thống xương của chúng, rất nhỏ gọn và linh hoạt. Mồm cá Dory hồng khá rộng, thích hợp với khả năng kiếm ăn ở đáy biển. Con mồi ưa thích của chúng là các loài cá nhỏ hơn, cũng như sinh vật nhỏ trong nước biển.
Sống ở độ sâu 500 - 3.000m dưới đáy đại dương, lươn Pelican là một con quái vật cực kỳ hiếm. Chúng là một sát thủ thật sự với bộ hàm cực khỏe và dạ dày lớn, sẵn sàng ngoạm, đớp hay nuốt chửng bất cứ con cá xấu số nào.
Cá Bellows có mõm dài và mỏng, sử dụng để hút những sinh vật phù du trong lòng đại dương. Qua phim chụp X-quang, người ta dễ dàng thấy được cấu trúc xương sống của loài cá lạ này. Tuy nhiên, đến tận ngày hôm nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể nào giải thích được phương thức di chuyển của loài này: chúng bơi lộn ngược, "cosplay" như một con cá bị chết trương.
Còn đây là một loài cá với cái tên mĩ miều: cá kỳ lân. Nó là loài cá hiếm, được tìm thấy tại những vùng biển ở độ sâu khoảng 1.000m. Cá kỳ lân dài khoảng 1,5m, có khả năng phun mực ra để tấn công con mồi hoặc trốn tránh kẻ thù như loài mực.
Tồn tại trong bóng tối, nước lạnh suốt 40 triệu năm, cá nhiệt đới Hatchet (cá lưỡi rìu) là sinh vật tiêu biểu sống về đêm dưới đáy biển. Loài cá xuất hiện từ thời cổ xưa này thường ăn tôm và cá nhỏ. Khi di chuyển, nó phát ra thứ ánh sáng dị thường và có một kĩ năng săn mồi thượng hạng.
Cá rồng nhỏ sở hữu những chiếc xương vây ngắn, thực sự giống đôi cánh của rồng trong thần thoại. Trong thế giới loài cá, cá rồng đặc biệt ở chỗ chúng có tập tính sống “chung thủy” một vợ một chồng. Thêm vào đó, trong quan niệm phương Đông, cá rồng còn là biểu tượng may mắn và giàu sang.
Nhìn qua phim chụp X-quang, hẳn bạn sẽ không chiêm ngưỡng được màu vàng sặc sỡ của loài cá bướm này nhưng bù lại, bức hình trên mang lại hình ảnh đen trắng về bộ xương chú cá bướm hấp dẫn một cách ma quái. Món ăn ưa thích là ấu trùng cua và các sinh vật nhỏ, cá bướm sử dụng cái miệng dài quá cỡ của mình một cách triệt để, chúng tiến sát đến con mồi mà không bị phát hiện rồi bất ngờ tung ra đòn chí mạng, kết liễu con mồi.
Cá Coelacanth còn được gọi là hóa thạch sống bởi từ một khoảng thời gian khá lâu, người ta cho rằng, loài này đã trở thành huyền thoại. Nguyên do là bởi tập quán sống khá... lười biếng: cả ngày chúng ở trong hang và chỉ săn mồi vào ban đêm, trong khu vực chỉ vài km xung quanh chỗ ở. Một số nhà khoa học còn nghi ngờ rằng, loài này chính là tổ tiên xa xôi của loài người sau khi từ dưới nước lên trên cạn sinh sống.
Phim X-quang chụp từ trên cao một sát thủ mang tên cá răng cưa, hay còn gọi là cá đao. Những chiếc răng sắc nhọn đều tăm tắp chính là vũ khí đáng sợ của loài này. Hiện nay, số lượng cá thể loài này đang suy giảm nghiêm trọng tới mức rất nguy cấp.
Sống ở giữa các rạn san hô, ăn các loại tảo và hàu, đó là loài cá Wedgetail Trigger. Với cấu trúc xương chậu và xương lưng cực kỳ lạ, loài cá này gần như không thể bị bắt bởi các sinh vật ăn thịt khác.

Ảnh chụp loài cá bẹt Bothid xấu xí - một loài cá miệng lớn ở đáy đại dương. Giống như các thành viên họ nhà cá bơn, cá bẹt Bothid có hai mắt ở cùng một bên đầu. Điều tạo nên danh tiếng săn mồi của chúng chính là kĩ năng giấu mình dưới lớp cát đáy đại dương, di chuyển và tấn công con mồi một cách bất ngờ.

No comments:

Post a Comment