Responsive Advertisement

Tìm Kiếm

Tuesday, May 15, 2012

Tất cả về bọ cạp

Bọ cạp là loài chân đốt ăn thịt có 8 chân thuộc phân ngành Chelicerata, lớp Arachnida và bộ Scorpiones. Hiện nay ước tính có khoảng 2000 loài bọ cạp trong tự nhiên, phân bố rộng rãi phía Nam bán cầu từ vĩ tuyến 49° trở lên ngoại trừ New Zealand và Nam Cực, phía Bắc bán cầu chủ yếu ở Sheerness nằm trên đảo Isle of Sheppy ( là 1 hòn đảo nằm ở phía bắc hạt Kent vương quốc Anh ) nơi mà 1 đàn bọ cạp loài Euscorpius flavicaudis trú ngụ từ những năm 1860.

Loài Heterometrus spinifer, một loài bọ cạp sinh sống tại các khu rừng châu Á.


A. GIẢI PHẪU:

+ Thân bọ cạp được chia làm 2 phần chính là phần đầu ngực ( còn gọi là đốt thân trước ) và phần bụng ( còn gọi là đốt thân sau ). Phần bụng bao gồm bụng dưới và đuôi.



1.Phần đầu ngực. 2.Phần bụng. 3.Đuôi.


1. Phần đầu ngực:

+ Phần đầu ngực, còn được gọi là đốt thân trước, là cơ quan “đầu não” của bọ cạp, gồm có mắt, giáp và chân kìm ( là một cơ quan của miệng ), chân kìm sờ (2 cái càng nhỏ) và tám cái chân để di chuyển. Bộ xương ngoài của bọ cạp dày và bền chắc, là cơ quan quan trọng bảo vệ bọ cạp khỏi những kẻ săn mồi. Bọ cạp có 2 mắt trên đỉnh đầu và thường có 4 đến 10 con mắt phụ nằm dọc theo bên trên phần đầu trước.

2. Bụng dưới:

+ Bụng dưới, phía trên đằng sau của phần bụng, bao gồm 6 đoạn. Đoạn đầu tiên chứa cơ quan sinh dục cũng như 1 số vết tích của 1 bộ phận phụ đã bị tiêu giảm thành nắp sinh dục. Đoạn thứ 2 có 1 cặp cơ quan cảm giác được biết như pectines; 4 đoạn cuối cùng, mỗi đoạn có chứa 2 lá phổi. Bụng dưới được trang bị bởi tấm kitin là phần lưng phía trên và mặt dưới bụng.

3. Đuôi:

+ Phần đuôi, cũng bao gồm sáu đoạn ( đốt đầu tiên của đuôi trông giống như đốt cuối cùng của bụng dưới), chóp đuôi là hậu môn của bọ cạp dồng thời cũng là đốt có chứa nọc độc. Đốt này có một túi chứa nọc độc, 2 tuyến nọc độc, và kim tiêm nọc độc.

+ Một số trường hợp hiếm hoi, bọ cạp sinh ra có thể có 2 cái đuôi. Bọ cạp 2 đuôi không phải thuộc một loài khác mà chỉ là sự bất thường của di truyền học.



Bọ cạp 2 đuôi, sự bất thường của di truyền.


B. SỰ GIAO CẤU:


+ Đa số bọ cạp sinh sản bằng hình thức giao hợp, hầu hết các loài bọ cạp đều có con đực và con cái. Tuy nhiên, một số loài như Hottentotta hottentotta, Hottentotta caboverdensis, Liocheles australasiae, Tityus columbianus, Tityus metuendus, Tityus serrulatus, Tityus stigmurus, Tityus trivittatusTityus urugayensis, đều sinh sản đơn tính, là một quá trình mà trứng không được thụ tinh và tự phát triển thành phôi thai. Sinh sản đơn tính bắt đầu theo sau lần lột xác cuối cùng đánh dấu sự trưởng thành của bọ cạp và tiếp tục cho đến về sau.



Loài Euscorpius mingrelicus.


+ Sinh sản hữu tính được hoàn tất bằng sự bơm tinh trùng từ túi bào tinh của con đực sang con cái; bọ cạp dùng sự ve vãn phức tạp nhằm chiếm lấy bạn tình, sau đó là nghi lễ kết đôi để hoàn tất quá trình sinh sản. Con đực và con cái đều sử dụng pheromonesvà truyền đạt thông tin bằng cách rung động cơ thể để có thể xác định vị trí của nhau; khi đã nhận biết đối tượng thuộc giới tính đối lập và cùng một loài, quá kình kết đôi có thể bắt đầu.

+ Quá trình ve vãn bắt đầu khi con đực giữ các chân kìm sờ của con cái; sau đó chúng bắt đầu một điệu nhảy gọi là "promenade à deux". Thực tế đây là cách mà con đực dẫn dắt con cái để tìm nơi thích hợp túi bào tinh của nó đặt vào. Quá trình này có thể kèm theo một số hành động khác như rung mình hoặc hôn vào chân kìm con cái, một số trường hợp còn đưa vào con cái một lượng nhỏ nọc độc của nó, có thể chỉ để làm yên lòng con cái.

+ Khi đã tìm được nơi thích hợp, con đực đưa túi bào tinh vào và dẫn dắt con cái giữ lấy nó. Nhờ vào đó túi bào tinh của con đực có thể xâm nhập vào thông qua nắp sinh duc của con cái, sau đó giải phóng lượng tinh trùng để thụ tinh. Quá trình này có thể xảy ra từ 1 đến hơn 25 tiếng tùy theo khả năng của con đực tìm được nơi phù hợp. Nếu xảy ra quá lâu, con cái có thể mất kiên nhẫn và bỏ đi.

+ Khi đã giao cấu xong, con đực và con cái sẽ tách ra. Con đực sẽ nhanh chóng rút lui thật nhanh nhằm đề phòng bị con cái ăn thịt, mặc dù ở bọ cạp hiếm khi xảy ra trường hợp con cái ăn thịt con đực sau khi giao phối.


C. SINH NỞ VÀ PHÁT TRIỂN:


+ Không như đa số các loài thuộc lớp Nhện, bọ cạp đẻ con. Bọ cạp con được sinh ra từng con một và tất cả sẽ được con mẹ cõng trên lưng cho đến khi con non đã trải qua ít nhất một lần lột xác. Trước khi lột xác lần đầu tiên, con non không thể tự tồn tại trong tự nhiên một mình bởi vì chúng cần được bảo vệ và duy trì độ ẩm cơ thể nhờ vào con mẹ. Đặc biệt ở những loài cho thấy sự chan hòa hơn ở con cái, thời gian cõng con có thể kéo dài hơn. Số lượng bọ cạp con của một lần sinh sản phụ thuộc vào giống loài và tác nhân môi trường, có thể thay đổi từ 2 đến hơn 100 con non. Nhưng thông thường thì một ổ bọ cạp chỉ bao gồm 8 con non.



Một con cái loài Compsobuthus werneri cõng con trên lưng.


+ Bọ cạp con khi trưởng thành khá giống bố mẹ. Sự trình trưởng thành được đánh dấu qua chu kì của nhiều lần lột xác. Quá trình trưởng thành được phản ánh qua số lần mà nó lột xác. Thông thường bọ cạp cần sừ 5 đến 7 lần lột xác để thành một cá thể trưởng thành. Sự lột xác có tác dụng rũ bỏ bộ xương ngoài đã cũ. Bọ cạp sẽ đưa chân chui ra khỏi lớp vỏ cũ này đầu tiên, theo sau là cái đuôi. Khi lột mới lột xác, do lớp xương ngoài mới rất mềm nên rất dễ tạo điều kiện cho kẻ đi săn tấn công. Bọ cạp phải giữ cơ thể giãn ra trong trạng thái bất động để đảm bảo cho lớp xương mới có thể rắn chắc lại dễ dàng hơn. Bộ xương ngoài mới không thể phát quang, khi quá trình làm rắn chắc xảy ra, sư phát quang sẽ từ từ trở lại.


D. ĐỜI SỐNG VÀ TẬP TÍNH:


+ Tuổi thọ của bọ cạp không xác định và trên thực tế chúng ta vẫn chưa biết chính xác tuổi thọ của đa số các loài bọ cạp. Tuổi đời của bọ cạp thường từ 4 đến 25 năm ( là độ tuổi lớn nhất của loài bọ cạp Hadrurus arizonensisđược biết đến ). Loài bọ cạp Hadrurus arizonensis trong tự nhiên có thể sống từ 25 đến 30 năm.



Loài Hadrurus Arizonensis, phân bố ở vùng Tây Nam của Bắc Mỹ, độc tính yếu.


+ Bọ cạp thích sống những nơi có nhiệt độ khoảng từ 20°C đến 37°C ( 68°F đến 99°F ), nhưng vẫn có thể tồn tại ngay cả trong nhiệt độ đông đá cũng như sức nóng như đốt của sa mạc. Bọ cạp giống Scorpiops sinh sống ở những vùng núi châu Á, bọ cạp Bothriuridở Patagonia và loài bọ cạp nhỏ Euscorpius ở giữa châu Âu đều có thể tồn tại ngay khi cả nhiệt độ mùa đông xuống đến -25°C.



Loài Bothriurid sống trong môi trường khắc nghiệt (-25°C)



Loài Euscorpius nhỏ sống trong môi trường khắc nghiệt (-25°C).


+ Bọ cạp là loài hoạt động về đêm và thích đào bới, chúng có thể đào suốt một ngày để tìm một nơi trú ẩn mát mẻ dưới mặt đất hay bên dưới những hòn đá và ban đêm ra ngoài săn mồi. Bọ cạp tỏ ra rất sợ ánh sáng, chủ yếu là tránh sự dò tìm của các con vật đi săn như: chim, rết, thằn lằn, chuột và các loài thú có túi.



Loài Euscorpius Balearicus, phân bố rộng rãi từ Bắc Phi đến Tây Ban Nha và 1 số nước châu Âu, độc tính rất yếu.


+ Bọ cạp có thể săn được các loài chân đốt và côn trùng nhỏ. Ban đầu nó dùng càng để kẹp lấy con mồi. Tùy theo độ độc của nọc độc và độ lớn của càng mà chúng sẽ nghiến hoặc tiêm nọc độc vào con mồi. Khi đã bị tiêm nọc độc, con mồi nó thể bị chết lập tức do tác dụng của nọc độc hoặc bị tê liệt và nhờ đó bọ cạp có thể ăn thịt. Bọ cạp có 1 kiểu ăn duy nhất là sử dụng chân kìm, là những bộ vuốt nhỏ trong miệng, chỉ có ở một số loài ( trong số đó có nhện ). Chân kìm sắc đến nỗi có thể có thể dùng dùng để xé những con mồi ra thành từng mảnh nhỏ để dễ dàng tiêu hóa. Bọ cạp chỉ có thể tiêu hóa thức ăn ở dạng lỏng; những phần rắn như ( lông, bộ xương ngoài…) đều được bỏ lại.



Bọ cạp săn mồi.


E. NỌC ĐỘC:


+ Tất cả các loài bọ cạp đều có nọc độc. Thông thường nọc độc của bọ cạp trong tự nhiên có thể tác động trực tiếp đến hệ thần kinh ngoại trừ loài Hemiscorpius lepturus có nọc độc hủy hoại tế bào. Nọc độc của bọ cạp trong tự nhiên có chứa 1 lượng nhỏ pro-tê-in gây ảnh hưởng đến kênh nơ-ron thần kinh chịu trách nhiệm cho khả năng hoạt động của sinh vật và làm cho sự truyền tải nơ-ron bị gián đoạn. Bọ cạp dùng nọc độc để giết hoặc làm tê liệt con mồi để dễ dàng ăn thịt; hành động này rất nhanh, giúp cho việc săn bắt hiệu quả hơn. Tác động của nọc độc rất mạnh.



Loài Hemiscorpius lepturus, có độc hủy hoại tế bào.


+ Bọ cạp thường dùng nọc độc để tấn công những loài chân đốt khác vì vậy đa số bọ cạp tương đối vô hại đối với con người; vết đốt chỉ gây ra 1 số phản ứng như đau, nhức, tê cứng hoặc sưng tấy lên. Tuy nhiên một số ít loài bọ cạp như họ Buthidae, có thể nguy hiểm đối với con người. Nguy hiểm nhất là loài bọ cạp Leiurus quinquestriatus có nọc độc nhất trong họ Buthidaevà các loài thuộc giống Parabuthus, Tityus, Centruroides đặc biệt là giống Androctonus, cũng có nọc độc rất mạnh. Loài bọ cạp gây ra nhiều trường hợp tử vong cho con người nhất là loài Androctonus australis, hay còn gọi là bọ cạp đuôi béo, ở Bắc Phi. Thực tế nọc độc Androctonus australischỉ độc bằng một nửa loài Leiurus quinquestriatus. Tuy nhiên tỉ lệ tử vong cao hơn bởi vì nó được tìm thấy nhiều hơn, đặ biệt là gần nơi ở của con người. Nạn nhân thường là người trẻ tuổi, người già, hay những người ốm yếu; một số người có thể bị dị ứng với nọc độc của một số loài. Tùy theo vào mức độ dị ứng, nọc độc của bọ cạp có thể gây ra mẫn cảm và tử vong. Triệu chứng của một vết bọ cạp chích là sự tê liệt ở vết cắn, đôi khi kéo dài nhiều ngày. Bọ cạp nói chung không nguy hiểm và nhút nhát, chúng chỉ sử dụng nọc độc để săn mồi, tự vệ hay tranh giành lãnh địa với bọ cạp khác. Thông thường, khi gặp nguy hiểm bọ cạp sẽ bỏ chạy hoặc đứng bất động.



Loài Leiurus Quinquestriatus, phân bố rộng rãi ở Châu Phi tại các sa mạc và bụi rậm, độc tính rất mạnh( thậm chí gấp 2 lần loài Androctonus Australis)



Loài Androctonus Australis, sát thủ gây ra nhiều trường hợp tử vong cho con người nhất.


+ Bọ cạp có thể điều chỉnh lượng nọc độc tiêm vào con mồi bằng cách sử dụng các cơ đuôi, thông thường từ 0.1 đến 0.6 mg. Có bằng chứng cho thấy bọ cạp giới hạn nọc độc chỉ để khuất phục các con mồi lớn, hoặc những con mồi vùng vẫy. Bọ cạp có hai loại nọc độc: loại nhẹ chỉ để làm choáng váng đối phương và loại mạnh để giết chết kẻ địch. Điều này có thể đúng bởi vì bọ cạp tiêu tốn rất nhiều năng lương để sản xuất nọc độc và phải mất nhiều ngày tái sản xuất đầy đủ lượng nọc độc một khi nó đã sử dụng hết.



Loài Scorpio Maurus Palmatus, phân bố ở Bắc Phi, thích đào bới dưới cát sa mạc, độc tính yếu.


+ Hiện nay chưa có loài bọ cạp nào được đưa vào Schmidt Sting Pain Index( là một loại thước đo độ đau đớn do vết cắn của các loài trong bộ Hymenopterangây ra ), bởi vì chưa có ai đã xác định được mức độ đau đớn do vết cắn của các loài bọ cạp khác nhau do mức độ nguy hiểm của nọc độc 2 loài Androctonus australisLeiurus quinquestriatus. Tuy nhiên, vết cắn của 2 loài như Pandinus imperator hay Heterometrus spinifecó thể ngang bằng với một vết ong chích dựa vào mức độ đau nhức và sưng tấy. Bị một con bọ cạp không nguy hiểm chích ở ngón tay cái có thể gây ra cảm giác như bị búa đập vào ngón tay khi đóng đinh. Cũng vết cắn ở ngón tay cái, nhưng nếu với một loài bọ cạp thưc sự nguy hiểm chích thì sẽ như đóng 1 cây đinh xuyên qua ngón tay vậy. Người ta còn sử dụng bọ cạp chích để chữa một số căn bệnh như: nhịp tim chậm, chứng mạch nhanh, hay bệnh phù phổi.



Loài Pandinus Imperator, cư ngụ tại châu Phi, là 1 trong những loài bọ cạp lớn nhất thế giới, độc tính yếu.



Loài Heterometrus Spinife.


+ Vết chích của hầu hết các loài bọ cạp ở Bắc Mỹ đều không cần các biện pháp y tế đặc biệt. Đặt nước đá lên trên vết thương để giảm đau, sau đó bôi một hỗn hợp dầu chống dị ứng, thuốc giảm đau. Khi bị loài Centruroides chích và dẫn đến triệu chứng nghiêm trọng sẽ phải cần đến thuốc giảm đau và tiêm thẳng vào trong tĩnh mạch. Thuốc giải độc của Centruroides sẽ nhanh chóng làm nhẹ bớt các triệu chứng, nhưng cũng có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng như bị bệnh về huyết thanh do bị dị ứng với thuốc. Thuốc giải độc chỉ được cung cấp ở Arizona. Tại Trinidad, chất dịch lá cây Ecipta được dùng cho vết bọ cạp chích. Những hình thức sử dụng cây cỏ để chữa vết bọ cạp chích dựa vào các biểu hiện giảm nhẹ của triệu chứng, hết cảm giác đau, chống được viêm nhiễm, hạ sốt, hay các kinh nghiệm trong cuộc sống tự nhiên. Vài hỗn hợp lá cây dùng cho các vết thương bị viêm cũng có thể làm ức chế sự hoạt động của các Enzim trong nọc độc rắn và bọ cạp.



Loài Centruroides Vittatus, phân bố ở vùng trung tâm nước Mỹ và phía Bắc Mexico, độc tính trung bình yếu.


+ Giáo sư Moshe Gueron là người đầu tiên nghiên cứu về sự ảnh hưởng từ vết chích của một con bọ cạp cực độc đến tim mạch. Hàng nghàn bệnh nhân bị bọ cạp chích đã được xem xét. 34 bệnh nhân bị bọ cạp cực độc chích được khám và xét nghiệm tìm ra các dữ liệu thích hợp về sự hoạt động của hệ thống tim mạch như: huyết áp cao, thành mạch máu bị suy yếu, sung huyết ở tim hoặc chứng phù phổi đã được đem đi phân tích. Điện tâm đồ của 28 bệnh nhân được xem xét; 14 trong số đó cho thấy xuất hiện triệu chứng sớm của nhồi máu cơ tim. Mẫu nước tiểu của 12 bệnh nhân bị bọ cạp cắn được xét nghiệm, điện tâm đồ của 6 trên 12 người thể hiện dấu hiệu sớm của chứng nhồi máu cơ tim. Trong số đó có 9 bệnh nhân tử vong và xuất hiện thương tổn ở tim được tìm thấy ở 7 người. Gueron cũng báo cáo lại 5 trường hợp tim bị tổn thương nghiêm trọng và liệt tim sau khi bị bọ cạp chích ở Beer-Scheba, Israel. 5 trường hợp đó là huyết áp cao, phù phổi với huyết áp cao, hạ huyết áp, phù phổi với hạ huyết áp và tim đập loạn nhịp. Qua đó có thể cho thấy bức tranh toàn thể về triệu chứng chung của bệnh nhân bị bọ cạp chích. Ông ta đề nghị tất cả bệnh nhân với triệu chứng tim mạch cần được đưa đến một đơn vị chuyên ngành về chữa trị tim. Vài năm sau, năm 1990, Gueron có bản báo cáo về sự co thắt kém và suy giảm hiệu suất của tim. Khi được hỏi về những vấn đề liên quan đến tác dụng của việc cung cấp thuốc giải độc, ông ấy trả lời rằng mặc dù thuốc được cung cấp miễn phí, mọi trường hợp bị bọ cạp chích đều có thể chữa trị mà không cần đến chúng và đã không có một trường hợp tử vong nào trong năm 1989 cả.



Loài Androctonus Crassicauda, còn được gọi là bọ cạp đuôi béo,
là một trong những loài nguy hiểm nhất trên thế giới, phân bố ở vùng hoang mạc
và bán hoang mạc ở Trung Đông và châu Phi, độc tính mạnh.


F. HÓA THẠCH ĐƯỢC TÌM THẤY:


+ Hóa thạch của bọ cạp đã được tìm thấy rất nhiều, bao gồm hóa thạch thuộc kỷ Silua, ở mỏ than đá từ kỉ Carboniferous( 359 đến 299 triệu năm về trước ) và cả trong hổ phách. Người ta đặt giả thiết chúng đã tồn tại ở một dạng nào đó cách đây 430 triệu năm. Và được tin là mang hình dạng của một loài có nguồn gốc từ đại dương. Hiện tại mẫu hóa thạch của 111 loài bọ cạp đã được tìm thấy. Không như các loài động vật thuộc lớp nhện, có nhiều loài bọ cạp thuộc kỉ Palaeozoic ( 542 đến 251 triệu năm trước ) hơn so với kỉ Mesozoic ( 251 đến 65.5 triện năm trước ) hay kỉ Cenozoic ( 65.5 triệu năm đến nay ).

+ Loài bọ cạp biển có tên eurypterids đã tồn tại suốt thời kì Paleozoic, có nhiều đặc điểm cơ thể rất giống với bọ cạp đương đại và có thể có quan hệ gần với chúng. Một số lượng lớn loài Eurypterida sinh sống ở bất cứ mọi nơi, có chiều dài từ 10 centimet đến 2.5 mét. Tuy nhiên, chúng lại có kết cấu bên trong cơ thể khác so với một nhóm đã bị tuyệt chủng từ kỉ Carboniferousvà với họ hàng đương đại của chúng. Mặc dù vậy, chúng cũng được coi như là một loài “bọ cạp biển”. Chân của chúng được cho rằng ngắn, dày, thon và kết thúc ở một cái vuốt rất khỏe; nó được cấu tạo để bám trên đá hoặc rong biển chống lại sóng biển, như chân của loài cua biển hiện nay.



Loài Eurypterids, được coi là loại bọ cạp biển cổ đại.


G. PHÂN BỐ ĐỊA LÝ:


+ Bọ cạp phân bố nhiều từ vĩ tuyến 49° Nam và có một sự giống nhau thú vị ở các loài thú về vị trí phân bố địa lý, bao gồm cả việc nó vắng mặt ở New Zealand. Sự thật về sự phân bố của bọ cạp được vẫn còn là giả thuyết rằng chúng có nguồn gốc từ nửa Bắc bán cầu và di trú vào các lục địa ở Nam bán cầu, sự vắng mặt của bọ cạp ở những quốc gia ở Bắc bán cầu chắc chắn là do các khu vực này đã bị phủ băng. Khi chúng đến Châu Phi, Madagascar khi đó vẫn là một phần của mảng lục địa; nhưng sau đó khi chúng đến lục địa châu Úc thì đã xảy ra sự tách rời của đảo New Zealand từ lục địa mẹ.



Loài Cercophonius Squama, một loại bọ cạp bản địa Đông Nam nước Úc.


+ Ở Hoa Kỳ, bọ cạp phổ biến nhất ở miền Nam Arizona và trong vết cắt lục địa kéo dài qua trung tâm Texas và trung tâm Oklahoma. Loài bọ cạp sọc vằn loài Centruroides vittatus, phân bố từ vùng Tây Bắc Mexico đến phía Nam Colorado, Kansas, miền Nam Missouri, và Mississippi, Louisiana. Các loài của giống Vaejovisđược tìm thấy ở Florida phía Bắc đến Maryland, Carolinas, và Tennessee cũng như xa về phía Tây tới Oregon và California. Loài Paruroctonus boreus được phát hiện qua vùng Tây Bắc Hoa Kỳ và Canada. Bọ cạp phân bố ở 31 bang trên khắp Hoa Kỳ bao gồm cả Hawaii.



Loài Centruroides Sculpturatus, phân bố ở vùng Tây Nam Hoa Kỳ, là loài độc nhất ở Bắc Mỹ, độc tính khá mạnh.

+ 5 đàn bọ cạp đã tự tụ tập lại tại phía Nam nước Anh thông qua trái cây nhập khẩu từ châu Phi, nhưng số lượng của chúng đã bị suy giảm do sự tàn phá môi trường sống. Loài bọ cạp này nhỏ và hoàn toàn vô hại với con người.




Loài Vaejovis Coahuilae



Loài Paruroctonus Boreus


H. DƯỚI TIA CỰC TÍM:


+ Bọ cạp được biết là có thể phát sáng khi được phơi dưới các bức sóng của tia cực tím, cũng như dưới tia cực tím không nhìn thấy được, do bên dưới lớp cutin của chúng có sự tồn tại của các chất hóa học huỳnh quang. Thành phần chủ yếu của chất huỳnh quang được biết đến là Beta-Carboline. Đèn UV cầm tay từ lâu đã là 1 công cụ phổ biến để tiến hành điều tra ban đêm đối với các sinh vật loại này.



Một con bọ cạp dưới tia cực tím, ở ánh sáng bình thường nó có màu đen.

No comments:

Post a Comment

Các bạn hãy trả lời Mail để nhận sách miễn phí nha

Văn Bản

RubyBook

Chào mừng các bạn đến với trang blog của mình.Nếu cần những cuốn sách nào theo yêu cầu của các bạn xin gửi mail cho mình theo địa chỉ mail bên dưới nhé




Liên Hệ Với Chúng Tôi

Name

Email *

Message *