Đó là thủy quái nằm trong nhóm Hupehsuchian, một dòng bò sát biển riêng biệt của Trung Quốc, họ hàng gần với ngư long. Nghiên cứu mới cho thấy nó còn giống một sinh vật hiện đại theo cách rất kỳ lạ.
Một hàm răng đáng sợ dày đặc, chiếc mõm trông như mỏ bồ nông, thân hình như khủng long nhưng chân giống như vây - đó là "chân dung" đáng sợ mà các nhà khoa học đã phục dựng từ hóa thạch Hupehsuchus nanchangensis, bò sát biển kỷ Tam Điệp được khai quật ở tỉnh Hồ Bắc.
Nghiên cứu mới, được dẫn đầu bởi tiến sĩ Zichen Fang, nhà cổ sinh vật học từ Trung tâm Khảo sát địa chất Trung Quốc và giáo sư Michael Benton từ ĐH Bristol (Anh) đã kiểm tra 2 mẫu vật Hupehsuchus nanchangensis được thu thập từ Hệ tầng Gia Lãnh Giang thuộc tỉnh Hồ Bắc, trong đó có một mẫu vật gần như nguyên vẹn.
Các mẫu vật có niên đại khoảng 248 triệu năm, thuộc về một nhóm bò sát biển lớn hơn gọi là Hupehsuchian.
Các hóa thạch thủy quái Hupehsuchian được khai quật - (Ảnh: BMC Ecology and Evolution).
"Hupehsuchian là một nhóm duy nhất ở Trung Quốc, họ hàng gần của ngư long và đã được biết đến trong vòng 50 năm, nhưng phương thức sống của chúng vẫn chưa được hiểu đầy đủ" - tiến sĩ Fang cho biết.
Thủy quái này thuộc về một thời kỳ hỗn loạn, chỉ 3 triệu năm sau cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt kỷ Nhị Điệp, mở ra một kỷ Tam Điệp mới với rất nhiều sự thay đổi quan trọng trong hệ thống sự sống Trái Đất, bao gồm sự xuất hiện của khủng long.
Do đó, thủy quái ở Trung Quốc là một loài nằm ở điểm kết nối, có giá trị vô cùng lớn, có thể hé lộ nguồn gốc của nhiều đặc điểm tiến hóa.
Công trình vừa xuất bản trên tạp chí khoa học BMC Ecology and Evolution đã tìm ra điều thú vị nhất: Nó là loài ăn lọc, một đặc điểm được tìm thấy ở cá voi và một số sinh vật biển hiện đại khác, nhưng chưa được biết đến ở bò sát biển kỷ Tam Điệp.
Điều đó thể hiện rõ ràng qua bộ hàm, gồm nhiều răng nhỏ, sắc, có thể tạo thành một tấm lưới lọc hoàn hảo. Phương thức hơi khác với cá voi ngày nay, nhưng về cơ bản kiểu ăn là giống nhau.
Phát hiện này là nhờ hộp sọ hoàn chỉnh được khai quật trong mẫu vật mới hơn, thể hiện cả cấu trúc của mõm và hàm cho phép miệng chúng phình to ra như bồ nông khi bơi về phía trước và nuốt chửng các con mồi nhỏ.
"Thật ngạc nhiên khi chúng tôi khám phá ra tốc độ nhanh chóng mà các bò sát biển lớn này xuất hiện và làm thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái biển thời điểm đó" - trang Sci-News dẫn lời giáo sư Benton cho biết.
No comments:
Post a Comment