Bằng cách ghép các mảnh của một hộp sọ cổ đại, các nhà khoa học đã tái hiện thành công dung nhan quái vật mà họ gọi là "nòng nọc sát thủ" hay "nòng nọc địa ngục", sống vào 330 triệu năm trước, tức kỷ Than Đá.
Quái vật mang tên Crassigyrinus scoticus đã được các nhà khoa học biết đến và đặt tên hơn 10 thập kỷ, nhưng chưa có ai đưa ra được hình ảnh cụ thể về vẻ ngoài của nó bởi tất cả các mảnh hóa thạch thu thập được đều bị nghiền nát nghiêm trọng.
Dung nhan của "nòng nọc sát thủ" 330 triệu tuổi - (Ảnh: UCL).
Nhưng giờ đây, nhưng tiến bộ trong kỹ thuật chụp CT và hình ảnh 3D đã cho phép các nhà nghiên cứu từ University College London (UCL - Anh) thực hiện thành công một "trò chơi" ghép hình cực kỳ công phu, "tái sinh" loài quái vật cổ đại trong một bức chân dung kỹ thuật số sống động, theo Live Science.
Họ đã phải dùng máy quét CT để ghép 4 cụm hóa thạch vỡ nát từ 4 cá thể khác nhau để tiến hành cuộc tái sinh ảo cho con quái vật.
Các nghiên cứu trước đây cho rằng quái vật này là một động vật bốn chân, liên quan đến những sinh vật đầu tiên di chuyển từ dưới nước lên cạn vào 400 triệu năm trước.
Tuy nhiên cuộc khảo sát mới nhất này cho thấy Crassigyrinus scoticus phải là động vật sống dưới nước và rất có thể tổ tiên của nó đã có một cuộc di chuyển ngược: Đúng là chúng từng lên bờ trong quá trình tiến hóa, nhưng sau đó quyết định trở lại mặt nước, trở thành chúa tể đầm lầy than.
Đầm lầy than là những vùng đất ngập nước mà sau này trở thành những mỏ than lớn ở vùng đất ngày nay là Scotland và Bắc Mỹ.
Cuộc "tái sinh" ảo này cũng cho thấy quái vật dài khoảng 3m này có thân tương đối phẳng và các chi ngắn, hơi giống cá sấu Nam Mỹ. Kích thước 3m này là khổng lồ vào thời điểm đó, vì lúc nó sinh sống thì các loài bò sát chưa phát triển vĩ đại như lớp khủng long sau này.
Vì thế, quái thú này đích thực là một bạo chúa trong thời đại của nó, với các mẫu vật thu thập được có niên đại lên tới 330 triệu năm.
Quá trình tái tạo hộp sọ của quái vật - (Ảnh: UCL).
Tái tạo khuôn mặt mới cũng có thấy nó có đôi mắt to để nhìn rõ trong nước bùn, các cơ quan đường bên giống cá, vốn là hệ thống giác quan giúp động vật dưới nước phát hiện các rung động nhỏ.
Một khoảng trống vẫn tồn tại trước mõm sinh vật, được cho là vị trí gắn các cơ quan chịu trách nhiệm cho một giác quan đặc biệt khác, giúp tăng khả năng săn mồi.
Nghiên cứu vừa được công bố trên Journal of Vertebrate Palaeontology.
No comments:
Post a Comment