Các nhà khoa học Đan Mạch có thể đưa loài chuột dài 45 cm tuyệt chủng 120 năm trước trở lại bằng công nghệ CRISPR.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu là nhà di truyền học tiến hóa Tom Gilbert đến từ Đại học Copenhagen, Đan Mạch, hy vọng có thể hồi sinh loài chuột đã tuyệt chủng sau khi thu thập gần như tất cả hệ gene của chuột đảo Giáng sinh. Họ nhận thấy chúng có chung khoảng 95% gene với chuột nâu Na Uy còn sống ngày nay. Các nhà nghiên cứu công bố phát hiện hôm 9/3 trên tạp chí Current Biology.
Chuột đảo Giáng sinh (Rattus macleari) hay còn gọi là chuột Maclear là loài bản xứ ở Australia, có thể dài 45 cm tính từ đầu tới đuôi. Chúng bị xóa sổ cách đây khoảng 120 năm trong sự kiện đại tuyệt chủng giữa năm 1899 và 1908 khi bệnh dịch do các tàu châu Âu đem tới lây lan khắp khu vực. Chuột đảo Giáng sinh có hàm răng lớn và khỏe, có thể ăn cua đỏ trên đảo. Chúng cũng có lớp lông dài và dày cùng bộ râu màu đen dài khoảng 7,5 cm.
Gilbert và cộng sự so sánh hệ gene của loài chuột đã tuyệt chủng với hệ gene của chuột nâu Na Uy. Từ đó, họ nhận dạng những đoạn gene không trùng khớp, sau đó họ sử dụng công nghệ CRISPR để chỉnh sửa ADN của sinh vật sống sao cho trùng khớp với ADN của loài đã tuyệt chủng. Dù cách này gần như thành công, một vài gene quan trọng vẫn bị thiếu. Điều ấy có nghĩa chuột đảo Giáng sinh hồi sinh nhiều khả năng không thể đánh hơi tốt như tổ tiên của chúng.
"Với công nghệ hiện nay, không thể phục hồi chuỗi ADN hoàn chỉnh, do đó chúng ta không thể tạo ra bản sao hoàn hảo của chuột đảo Giáng sinh. Đó sẽ là một dạng loài lai", Gilbert cho biết.
Gilbert đang lên kế hoạch chỉnh sửa hệ gene chuột đen thành chuột nâu Na Uy trước khi hồi sinh chuột đảo Giáng sinh. Các nhà khoa học cho rằng chuột nâu Na Uy và chuột đảo Giáng sinh có sự phân hóa tiến hóa tương tự voi hiện đại và voi ma mút lông xoăn. Nếu thành công, thí nghiệm có thể giúp đưa nhiều động vật cổ đại trở lại.
No comments:
Post a Comment