Responsive Advertisement

Tìm Kiếm

Thursday, November 25, 2021

“Ong kền kền” tiến hóa để ăn được thịt, thậm chí có cả khuẩn ruột giúp tiêu hóa thức ăn


“Chúng tiến hóa để sử dụng những nguồn dinh dưỡng không có nguồn gốc thực vật”.

Kết quả nghiên cứu mới đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh những con ong cặm cụi lấy phấn làm mật. Trong báo cáo mới được đăng tải trên mBio, các nhà khoa học mô tả những nhóm ong kỳ lạ “cắt từng thớ thịt trên xác sinh vật tại những khu rừng nhiệt đới”. Và vì phải tiêu hóa thịt sống, những con ong này sở hữu khuẩn ruột tương tự với vi sinh vật thường sống trong ruột linh cẩu và kền kền. Đó là lý do giới sinh vật học sử dụng cái tên “ong kền kền” để mô tả những sinh vật bé nhỏ có cánh.

Một cá thể ong thuộc chi Trigona, bao gồm một số loài ong ăn thịt.

Theo lời các tác giả báo cáo, có thể mô tả đa số ong như “ong bắp cày sống đời ăn chay”. Nhưng trong lịch sử, các nhà khoa học hai lần chứng kiến ong nghệ lấy thịt từ xác thối. Sự kiện năm 1758 và 1837 cho thấy những cộng đồng ong ăn thịt thối tồn tại song song với ong lấy phấn làm mật, tuy nhiên đây chỉ là những trường hợp “tình cờ ăn xác thối - facultatively necrophage”, chứ không như ong kền kền “buộc phải ăn xác thối - obligate necrophage”, bởi lẽ loài ong đặc biệt này chỉ ăn thịt.

Nhà côn trùng học Filippo Silvestri lần đầu xác định các cá thể ong kền kền vào năm 1902 trong khi nghiên cứu một loạt các cộng đồng ong. Tuy vậy, lúc này không ai gọi chúng là “ong kền kền” bởi lẽ các nhà khoa học chưa biết khẩu phần ăn toàn thịt của chúng. Filippo Silvestri đặt pháp danh khoa học cho ong là Trigona hypogea.

Tới năm 1982, nhà côn trùng học David Roubik tiếp tục theo dõi các tổ ong Trigona hypogea và phát hiện ra rằng thay vì lấy phấn hoa, những con vật này lấy dinh dưỡng từ xác động vật chết; thịt thằn lằn, khỉ, rắn, cá và chim đều nằm trong thực đơn của ong kền kền. Những con ong phát hiện ra vị trí của xác thối sẽ rải ra một đường chất pheromone dẫn lối ong cùng bầy tới lấy thịt. Trong vòng 8 tiếng, ong sẽ bu đầy cái xác để khai thác dinh dưỡng.

Trigona hypogea đang ăn xác thằn lằn.

Ong kền kền thường thâm nhập vào bên trong xác thối qua đường mắt, một lối đi tương tự giòi. Báo cáo của giáo sư Roubik mô tả quá trình tiêu thụ xác thối hiệu quả của bầy ong: xác của con thằn lằn chỉ còn lại xương khô sau 2 ngày; hay trong một trường hợp khác, bầy ong chỉ cần 8 tiếng để lọc sạch lông và thị của một con chim sẻ đã chết; tốc độ ăn hai con ếch của bầy ong là khoảng 6 giờ.

Bởi lẽ ong kền kền ăn thịt thay vì lấy phấn, những con côn trùng này có thiết kế chân sau đặc biệt; “rổ đựng phấn” của chúng không còn giống những người anh em vo ve khác.

Những con ong trực tiếp hấp thụ thịt ngay tại xác, rồi lưu giữ chút “súp thịt đặc” để mang về tổ. Ông Roubik nêu giả thuyết: một khi về nơi trú ẩn, ong sẽ biến đổi số súp thịt này thành những hạt dinh dưỡng để cất trữ trong các hốc tổ. “Xét tới việc thịt sẽ thối rữa và không phù hợp cho bảo quản lâu ngày, việc chuyển trạng thái thực phẩm là tối quan trọng trong lưu giữ”, ông Roubik nhận định. Năm 1996, một nhóm nghiên cứu khác nêu giả thuyết ong kền kền cất trữ trực tiếp thịt trong tổ của mình.

Hình A mô tả "răng" của Trigona hypogea, hình B cho thấy đốt ống chân sau của ong kền kền.

Ở thời điểm hiện tại, giới côn trùng học phân biệt được ba nhóm ong kền kền lấy protein từ xác động vật: đó là Trigona hypogea, Trigona crassipes, và Trigona necrophages. Chúng đều là những loài ong không có ngòi đốt, tuy nhiên ong kền kền vẫn sở hữu 5 răng nhọn, lớn và có khả năng cắn.

“Đây là những loài ong duy nhất trên thế giới tiến hóa để sử dụng những nguồn dinh dưỡng không có nguồn gốc thực vật, đó là một quá trình thay đổi chế độ ăn đáng chú ý”, nhà côn trùng học Doug Yanega nhận định. Anh và nhóm nghiên cứu cho rằng ong kền kền sẽ sở hữu khuẩn ruột giống những loài tiêu thụ thịt khác, nên đã tiến hành nghiên cứu sâu hơn.

Nhóm lấy về những con ong kền kền trưởng thành sống tại La Selva và Las Cruces, Costa Rica. Để dụ ong, họ sử dụng thịt gà tươi sống treo lơ lửng từ cành cây. Sợi dây treo gà được tẩm chất bôi trơn từ dầu hỏa, ngăn kiến cản trở quá trình nghiên cứu.

Mồi thịt gà được dùng trong nghiên cứu.

Bên cạnh ong kền kền, nhóm còn thu thập một số cá thể ong vừa lấy phấn vừa ăn thịt, đồng thời họ lấy về cả những con ong chỉ lấy phấn làm mật.

Họ phát hiện ra ruột ong kền kền chứa một lượng lớn vi khuẩn Lactobacillus, vi sinh vật thường xuất hiện trong các thứ thực phẩm lên men. Trong ruột ong còn xuất hiện cả vi khuẩn Carnobacterium vốn có khả năng tiêu thụ thịt sống.

“Ruột ong kền kền giàu lượng vi khuẩn ưa acid, là những vi sinh vật không hiện hữu trên họ hàng của chúng”, đồng tác giả nghiên cứu Quinn McFrederick nhận định. “Những vi khuẩn này tương tự với các loài có trên kền kền, linh cẩu và một số loài ăn xác thối khác, có lẽ chúng giúp bảo vệ cá thể khỏi các mầm bệnh tới từ thịt thối”. Ở các nghiên cứu tiếp theo, nhóm sẽ tìm hiểu về nấm và virus có trong cơ thể ong kền kền.

Dù rằng chân sau của ong kền kền không còn những giỏ đựng phấn lớn, chúng vẫn còn những chỗ chứa đặc biệt dùng để đựng gà đã được nhai. “Chúng mang theo mình những xô đựng gà bé xíu”, nhà nghiên cứu McFrederick nói.

No comments:

Post a Comment

Các bạn hãy trả lời Mail để nhận sách miễn phí nha

Văn Bản

RubyBook

Chào mừng các bạn đến với trang blog của mình.Nếu cần những cuốn sách nào theo yêu cầu của các bạn xin gửi mail cho mình theo địa chỉ mail bên dưới nhé




Liên Hệ Với Chúng Tôi

Name

Email *

Message *