Một loài chim cánh cụt với kích thước lớn được xác định từ xương hóa thạch tìm thấy ở cảng Kawhia trên Đảo Bắc của New Zealand.
Tạp chí Science News ngày 16/9 đưa tin loài chim cánh cụt khổng lồ này được đặt tên là Kairuku waewaeroa. Chúng từng lang thang trên Trái đất vào thế Oligocen, khoảng 27-35 triệu năm trước.
TS Daniel Thomas, giảng viên về động vật học tại Trường ĐH Massey (New Zealand), cho biết: "Loài chim cánh cụt khổng lồ này tương tự những con chim cánh cụt khổng lồ Kairuku được phát hiện lần đầu tiên ở vùng Otago - New Zealand nhưng chúng có đôi chân dài hơn nhiều. Chúng cao hơn so với các Kairuku khác khi đi trên cạn với chiều cao khoảng 1,4m. Đôi chân có thể đã ảnh hưởng đến tốc độ bơi hoặc khả năng lặn sâu của Kairuku waewaeroa".
Một nhóm học sinh đã tìm thấy hoá thạch của một con Kairuku waewaeroa trong chuyến săn tìm hóa thạch do CLB Tự nhiên học trẻ Hamilton (JUNATS) tổ chức ở cảng Kawhia. Mẫu vật này là một trong những bộ xương hoàn chỉnh nhất của một con chim cánh cụt khổng lồ chưa được khám phá.
"Hóa thạch chim cánh cụt nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta sống chung với các loài động vật đáng kinh ngạc có từ lâu đời trên lục địa Zealandia. Sự chia sẻ này mang lại cho chúng ta một vai trò giám hộ quan trọng. Cách những đứa trẻ khám phá thiên nhiên và phát hiện ra hóa thạch chim cánh cụt nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc khuyến khích các thế hệ tương lai trở thành những người bảo vệ môi trường" - TS Hamilton lưu ý.
"Đây là một cơ hội hiếm có dành cho những đứa trẻ trong CLB của chúng tôi khi được khám phá và giải cứu chú chim cánh cụt hóa thạch khổng lồ này. Chúng tôi luôn khuyến khích những người trẻ tuổi khám phá và tận hưởng những hoạt động ngoài trời tuyệt vời. Có rất nhiều điều thú vị đang chờ đợi phía trước" - TS Hamilton cho biết thêm.
Phát hiện về Kairuku waewaeroa được mô tả trong một bài báo xuất bản trên tạp chí Cổ sinh vật học có xương sống ngày 16/9.
No comments:
Post a Comment