Hóa thạch hộp sọ của "người rồng" hé lộ nhánh mới ở cây phả hệ gần với người hiện đại hơn người Neanderthal.
Phát hiện hộp sọ hóa thạch lớn giấu trong một giếng nước ở Trung Quốc cách đây gần 90 năm buộc các nhà khoa học phải viết lại lịch sử tiến hóa của con người. Phân tích hóa thạch hé lộ một nhánh mới trên cây phả hệ của con người, thuộc về một nhóm họ hàng chưa từng biết tới trước đây và có quan hệ gần gũi với người hiện đại hơn người Neanderthal.
Kích thước cơ thể lớn có thể giúp người Homo longi nhằm thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt. (Ảnh: CNN).
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đặt tên cho loài người mới là "Người rồng" (Homo longi) Theo giáo sư Chris Stringer ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, thành viên nhóm nghiên cứu, đây là một hóa thạch được bảo quản cực kỳ tốt.
Năm 1933, những công nhân Trung Quốc tìm thấy hộp sọ trong quá trình xây cầu trên sông Tùng Hoa ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang phía bắc Trung Quốc, dưới thời Nhật chiếm đóng. Để ngăn hộp sọ khỏi rơi vào tay quân Nhật, họ bọc lại và giấu dưới giếng nước bỏ hoang. Hóa thạch được tái phát hiện do một công nhân kể lại bí mật cho cháu trai trước khi qua đời.
Nhóm nghiên cứu quốc tế đứng đầu là giáo sư Qiang Ji ở Đại học Địa chất Hà Bắc dựa vào kỹ thuật hóa địa để thu hẹp phạm vi tìm kiếm hộp sọ có niên đại ít nhất 146.000 năm. Hộp sọ này là sự kết hợp độc đáo giữa các đặc điểm nguyên thủy và hiện đại với gương mặt đặc biệt giống người tinh khôn (Homo sapiens) và răng hàm cực lớn. Hộp sọ dài 23 cm và rộng hơn 15 cm, lớn hơn đáng kể so với hộp sọ của người hiện đại và thể tích 1.420 ml. Bên dưới xương chân mày là hốc mắt vuông khá lớn. Theo Stringer, đầu của loài người này rất to.
Các nhà nghiên cứu cho rằng hộp sọ thuộc về một người đàn ông khoảng 50 tuổi. Chiếc mũi to bè cho phép anh ta hít nhiều không khí, giúp chống chọi mùa đông giá lạnh trong vùng, hé lộ cuộc sống hoạt động nhiều. Giáo sư Xijun Ni, nhà cổ nhân chủng học ở Hà Bắc nhận định người Homo longi có cơ thể lực lưỡng. Ông cho biết rất khó ước tính chiều cao của người Homo longi, nhưng phần đầu to chỉ ra họ cao hơn mức trung bình của người hiện đại.
Để tìm hiểu vị trí của Homo longi trong lịch sử nhân loại, các nhà khoa học nhập kết quả đo từ hóa thạch và 95 hộp sọ khác vào phần mềm để soạn cây phả hệ phù hợp nhất. Điều gây bất ngờ cho họ là hộp sọ ở Cáp Nhĩ Tân hình thành nhánh mới gần với người hiện đại hơn người Neanderthals. Họ công bố chi tiết nghiên cứu trên tạp chí The Innovation hôm 25/6.
Tuy nhiên, một khả năng khác là hộp sọ ở Cáp Nhĩ Tân có thể là người Denisovan, một nhóm người bí ẩn đã tuyệt chủng, được biết tới chủ yếu qua ADN và mẫu xương thu thập từ Siberia. "Chắc chắn mẫu vật này có thể là người Denisovan nhưng chúng ta cần cẩn trọng. Điều chúng ta cần là thu thập vật liệu xương hoàn chỉnh hơn của người Denisovan bên cạnh ADN", Stringer nhấn mạnh.
No comments:
Post a Comment