Nghiên cứu mới đây giải quyết tranh cãi lâu nay về loài cá sấu có sừng đã tuyệt chủng ở Madagascar.
Nhóm nghiên cứu tới từ Đại học Fordham (Mỹ) phát hiện ra rằng Voay robustus - loài cá sấu được biết đến với 2 đốt xương trên đỉnh đầu có quan hệ họ hàng với "cá sấu thật", bao gồm cá sấu sông Nile, châu Á và châu Mỹ. Nhưng nó nằm ở nhánh riêng trong họ cá sấu.
“Con cá sấu này ẩn náu trên đảo Madagascar trong thời gian mọi người xây dựng các kim tự tháp và có lẽ vẫn ở đó khi những tên cướp biển mắc cạn trên đảo”, phó giáo sư Evon Hekkala - trưởng nhóm nghiên cứu cho hay.
Theo bà Hekkala, Voay robustus là chìa khóa để khám phá những điều chưa biết về các loài cá sấu còn sống hiện nay.
Trong suốt 150 năm qua, vị trí của Voay robustus trên cây tiến hóa của các loài cá sấu vẫn còn nhiều tranh cãi. Vào những năm 1987, nó lần đầu tiên được mô tả như loài mới trong nhóm “cá sấu thật”.
Vào đầu thế kỷ 20, người ta cho rằng các mẫu vật của Voay robustus chỉ đơn giản đại diện cho những con cá sấu sông Nile cổ đại. Tuy nhiên tới năm 2007, một nghiên cứu kết luận cá sấu có sừng thực sự không phải là "cá sấu thật", mà nằm trong nhóm bao gồm cá sấu lùn.
Nhóm này nằm ngay cạnh nhánh của cá sấu thật trong cây tiến hóa.
"Phát hiện này gây ngạc nhiên về nguồn gốc của những con cá sấu được tìm thấy quanh vùng nhiệt đới ngày nay. Vị trí của loài này cho thấy rằng cá sấu thật có nguồn gốc từ Châu Phi và từ đó, một số đến Châu Á và một số đến Caribbe và Tây Bán cầu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần DNA để có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này", George Amato - đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
No comments:
Post a Comment