Hóa thạch 480 triệu năm tuổi với những cánh tay hiện rõ giúp các nhà khoa học tìm hiểu mắt xích quan trọng trong quá trình sao biển tiến hóa.
Các nhà khoa học tìm thấy hóa thạch sao biển 480 triệu năm tuổi trên dãy núi Anti-Atlas, Morocco, Science Focus hôm 20/1 đưa tin. Hóa thạch tồn tại từ Sự kiện Đa dạng hóa sinh học Ordovician, khi số lượng loài vật trên Trái đất tăng nhanh, và là hóa thạch sao biển cổ xưa nhất thế giới. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Biology Letters.
Hóa thạch tại Morocco có cấu trúc tinh vi với những cánh tay nhiều ngạnh có thể quan sát rõ. Nó được lưu giữ tốt đến mức các nhà nghiên cứu có thể lập sơ đồ cơ thể một cách chi tiết, từ đó tìm hiểu quá trình tiến hóa.
Nhóm nghiên cứu đặt tên loài sao biển mới phát hiện là Cantabrigiaster fezouataensis. Đây là mắt xích còn thiếu trong sợi dây liên kết giữa sao biển hiện đại với tổ tiên của chúng.
"Thật thú vị khi tìm ra mắt xích này. Nếu trở về kỷ Ordovician và nhìn xuống biển, bạn sẽ không thể nhận ra sinh vật nào trừ sao biển. Chúng là một trong những động vật hiện đại đầu tiên", Aaron Hunter, tiến sĩ cổ sinh thái học tiến hóa tại Đại học Cambridge, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Hóa thạch Cantabrigiaster fezouataensis thiếu khoảng 60% cấu trúc cơ thể của sao biển hiện đại. Nó trông giống cá thể lai giữa sao biển và huệ biển hơn.
Hunter cùng tiến sĩ Javier Ortega-Hernandez nghiên cứu Cantabrigiaster fezouataensis và so sánh với một danh mục gồm hàng trăm động vật giống sao biển. Hai nhà khoa học thống kê toàn bộ các cấu trúc và đặc điểm cơ thể để tìm hiểu mối liên hệ giữa chúng với các thành viên khác trong ngành Da gai - nhóm động vật đa dạng bao gồm hải sâm và sao biển. Họ phát hiện hóa thạch tại Morocco chỉ có rãnh thức ăn dọc theo mỗi cánh tay còn các bộ phận cơ thể ngoài trục xuất hiện sau trong quá trình tiến hóa.
Nhóm chuyên gia dự định mở rộng nghiên cứu nhằm tìm kiếm những động vật Da gai cổ xưa khác. "Trong tương lai, chúng tôi hy vọng có thể trả lời câu hỏi tại sao sao biển lại phát triển 5 cánh tay. Có vẻ đây là hình dạng ổn định mà chúng thích ứng, nhưng chúng tôi chưa rõ lý do", Hunter chia sẻ.
No comments:
Post a Comment