Ngôi vị sinh vật lớn nhất từng bước đi trên Trái đất của thằn lằn hộ pháp Patagotitan nặng 40 tấn có thể bị đánh bại bởi một quái thú bí ản đang được đào bới tại tỉnh Neuquén, Argentina.
Bài công bố trên tạp chí khoa học Cretaceous Research cho biết sinh vật đang được đào bới đã để lộ ra một số phần xương như nhiều khớp xương, 4 đốt sống đuôi và nhiều xương phần phụ. Tất cả đều lớn hơn rất nhiều so với Patagotitan. Hóa thạch này có thể là bằng chứng rõ ràng về một giống loài tưởng chỉ có trong huyền thoại mà các nhà sinh vật học Argentina bấy lâu tìm kiếm, một "siêu thằn lằn hộ pháp" nặng đến 60 tấn, dài 31 mét.
Hóa thạch một Andesaurus, đồng loại "bé nhỏ" hơn của quái thú mới - (Ảnh: Museo Municipal Carmen Funes)
Công trình đứng đầu bởi tiến sĩ Alejandro Otero từ Hội đồng Nghiên cứu khoa học kỹ thuật Quốc gia và Bộ phận Cổ sinh vật có xương sống, đơn vị Khoa học tự nhiên và bảo tàng, Phòng thí nghiệm Anexo (Argentina). Họ cho biết quá trình đào bới chỉ mới bắt đầu không lâu và có thể mất nhiều năm trời, nhưng tin tưởng rằng đây là một phát hiện vĩ đại và có thể họ sẽ đưa về thế giới hiện đại con khủng long to nhất mọi thời đại.
Nơi phát hiện ra "quái thú" là Hệ tầng Candeleros của Neuquén, cũng là nơi những Andesaurus khổng lồ, một giống thằn lằn hộ pháp khác, dài 18 mét, từng được phát hiện. Patagotitan, sinh vật đang giữa kỷ lục lớn nhất mặt đất, được tìm thấy tại một tỉnh khác ở Argentina.
Theo The Independent, các nhà cổ sinh vật học chia sẻ kỳ vọng mẫu vật mới sẽ làm sáng tỏ cách một "quái thú" có thể tiến hóa để đạt được kích thước không tưởng đến thế.
Thằn lằn hộ pháp, tức "titanosaur", là một khủng long cổ dài (sauropod) hiền lành, ăn thực vật. Nó là nhóm có kích thước lớn nhất trong mọi loài khủng long, nên cái tên mang tiền tố "titan", tức những người khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp. Tuy nhiên chỉ có thể nói nó lớn nhất trong các sinh vật từng bước đi trên Trái đất. Dù sinh vật mới này được xác định, nó vẫn sẽ thua "quái thú biển khơi" cá voi xanh, vốn có thể dài tới 33,5 mét, nặng đến 173 tấn.
No comments:
Post a Comment