Friday, November 6, 2020

Vì sao người Việt “A lô” khi nghe điện thoại?

Trong giao tiếp hàng ngày, bất cứ người Việt nào cũng mở đầu cuộc nói chuyện điện thoại bằng từ "A lô". Tại sao lại như vậy?



"A lô, ai đấy ạ?", "A lô, tôi xin nghe", hay đơn giản là " A lô?"... "A lô" là từ cửa miệng của người Việt khi sử dụng điện thoại, nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc của nó.


Ngược dòng thời gian, văn hóa sử dụng điện thoại được du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Và từ "A lô" chính là một "di sản" mà người Pháp để lại cho Việt Nam.

Khi trả lời điện thoại, người Pháp luôn mở màn bằng cách nói "Allo", nghĩa là "Chào", tương đương từ "Hello" trong tiếng Anh. Và khi sang nước Việt, "Allo" của người Pháp trở thành " A lô" của người Việt.

Việc người Pháp sử dụng từ "Allo" cũng là một câu chuyện dài. Nó được cho là bắt nguồn từ cách cha đẻ của điện thoại - ông Alexander Graham Bell - sử dụng khi bắt máy: “Ahoy”.

Từ “Ahoy” vốn là tín hiệu được sử dụng để gọi tàu hoặc thuyền, và cũng được sử dụng trong đời sống với ý nghĩa là "Chào". Graham Bell tin rằng “Ahoy” sẽ trở thành một câu chào khi nghe điện thoại phổ biến, và ông đã dùng nó trong suốt cuộc đời của mình.

Tuy nhiên, theo thời gian từ “Ahoy” trở nên lỗi thời. Nó chính thức bị thay thế bằng từ "Hello" theo đề xuất của nhà phát minh thiên tài Thomas Edison.

Trong một lá thư gửi công ty chịu trách nhiệm điều hành hệ thống điện thoại thành phố Pittsburg (Mỹ), Edison đã gợi ý nói “Hello” mỗi khi muốn trò chuyện vì ông cho rằng đây là cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của người đối diện.

Khi văn hóa điện thoại lan sang Pháp, "Hello" đã chuyển thành "Allo", và đó là nguồn gốc của "A lô" trong giao tiếp điện thoại của người Việt...

No comments:

Post a Comment