Sunday, October 25, 2020

Phát hiện hóa thạch bò sát đào hang "kỳ dị"

Cục Công viên Quốc gia Mỹ (NPS) công bố phát hiện hóa thạch hiếm của một loài bò sát đào hang sống cách đây 220 triệu năm.

Phần còn lại của sinh vật Tam Điệp - có tên khoa học là Skybalonyx skapter - được tìm thấy tại điểm nóng hóa thạch Thunderstorm Ridge bên trong Vườn quốc gia Petrified Forest ở bang Arizona, phía tây nam nước Mỹ.

Theo một nghiên cứu xuất bản trong tháng này trên tạp chí Cổ sinh vật học Động vật có xương sống, Skybalonyx skapter được mô tả là có hình dạng giống con lai giữa thú ăn kiến và tắc kè hoa. Nó là thành viên mới thuộc chi bò sát Drepanosaur, trước đây được cho là chỉ sống trên cây.

Hình ảnh phục dựng bò sát đào hang Skybalonyx skapter. (Ảnh: Midiaou Diallo).

Drepanosaur có hộp sọ rất giống chim, đặc biệt là chiếc mỏ nhọn không răng, khiến chúng từng bị nhầm lẫn là có quan hệ họ hàng với nhau. Chi bò sát này còn đặc trưng bởi bàn chân có móng vuốt mở rộng ở ngón thứ hai và một cái đuôi lớn - đôi khi cũng có móng vuốt - để hỗ trợ việc leo trèo.

Skybalonyx skapter thậm chí còn "kỳ dị" hơn! Phân tích hóa thạch cho thấy bộ móng vuốt ở chân của chúng lớn hơn rất nhiều so với các loài Drepanosaur từng được biết đến.

"Những móng vuốt lớn và mở rộng như vậy ngày nay chỉ được quan sát thấy ở các loài động vật đào hang như chuột chũi, thú lông nhím và thú ăn kiến có gai", nghiên cứu sinh Xavier Jenkins từ Đại học Bang Idaho của Mỹ, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết.

Việc phát hiện loài bò sát đào hang như Skybalonyx chứng tỏ hệ sinh thái kỷ Tam Điệp ở Vườn quốc gia Petrified Forest giống hiện đại hơn nhiều so với những gì các nhà khoa học từng nghĩ, với những loài động vật biết leo trèo, đào hang, bơi lội và bay lượn.

Theo đồng tác giả của nghiên cứu Ben Kligman, nhà cổ sinh vật học từ Đại học Bách khoa Virginia của Mỹ, khu vực Thunderstorm Ridge trong quá khứ có thể là một môi trường giống như đầm lầy với các sông, hồ thu hút đủ loại động vật.

No comments:

Post a Comment