Từ 400 triệu năm trước, loài cá da phiến thời tiền sử đã bước đầu phát triển bộ răng tương tự với con người.
Với sự trợ giúp của tia X mạnh nhất thế giới tại Cơ sở bức xạ synchrotron châu Âu (ESRF), các nhà sinh vật học đã cho ra kết luận này sau khi nghiên cứu xương hàm của cá acanthothoracid, một nhóm đã tuyệt chủng thuộc loài cá da phiến thời tiền sử.
Hài cốt còn sót lại của cá acanthothoracid, bao gồm cả hàm răng, được phát hiện gần 100 năm trước gần Prague (Cộng hòa Séc). Tuy nhiên, vì chúng bị vùi sâu trong đá nên các nhà khoa học tại thời điểm đó không thể tiến hành nghiên cứu sâu hơn. Giờ đây, nhờ công nghệ hiện đại với tia X cực mạnh, họ đã phát hiện sự tương đồng đáng kinh ngạc về cấu trúc và kích thước hàm răng của loài cá này với nhân loại.
Không chỉ con người, hơn 60.000 loài động vật có xương sống bao gồm cá mập, lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú đều là hậu duệ của loài cá thời tiền sử này. Ngày nay, bộ răng ở động vật có quai hàm đã có nhiều điểm tiến hóa. Trong khi răng mới của cá mập mọc tua tủa khắp bề mặt bên trong hàm và đẩy răng cũ ra ngoài, răng mới của người lại phát triển ngay trong xương hàm, bên dưới răng cũ.
Một đặc điểm thú vị khác là răng cá mập chỉ gắn vào sụn chứ không phải xương. Trái lại, răng của lớp cá xương và động vật trên cạn đều gắn chặt với xương hàm. Tuy nhiên, cấu trúc răng của chúng lại có nhiều điểm tương đồng. Để đi tìm lời giải cho bí ẩn này, các nhà khoa học đã nghiên cứu hóa thạch của một nhóm cá thời tiền sử cách đây khoảng 430 đến 360 triệu năm có tên arthrodire, được xem là tổ tiên chung của nhiều loài động vật ngày nay.
Các nhà khoa học tại ESRF.
Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu khác nghi ngờ tính xác thực của thông tin arthrodire là tổ tiên nguyên thủy của chúng ta. Họ chuyển mục tiêu sang acanthothoracid, nhóm cá được cho là cổ xưa hơn arthrodire và có mối liên hệ mật thiết với các loài động vật có quai hàm đầu tiên trên Trái đất.
Tương tự như cá mập, cá xương và động vật trên cạn, răng mới của acanthothoracid mọc lên bên trong hàm, đẩy những chiếc răng lâu năm ra bên ngoài.
No comments:
Post a Comment