Khối nhựa cây chứa rệp dính vào hàm khủng long mỏ vịt, dần cứng lại thành hổ phách, lưu giữ thông tin khoa học về môi trường thời cổ đại.
Nhóm nhà khoa học Canada công bố nghiên cứu về hóa thạch xương hàm 75 triệu năm tuổi của khủng long mỏ vịt phát hiện tại Alberta, Canada, từ năm 2010. Điều đặc biệt là trên hàm khủng long có một khối hổ phách đường kính khoảng 7cm, bên trong chứa vết tích của thực vật cổ đại và một con rệp chuyên chích hút nhựa cây, Science hôm 29/11 đưa tin.
Hóa thạch đặc biệt này hình thành sau một loạt sự kiện, nhóm nghiên cứu suy luận. Họ cho rằng sau khi khủng long mỏ vịt chết, thịt ở hàm đã phân hủy hết, xác nó trôi dạt trên sông. Tại đây, một khối nhựa dính từ cây gỗ đỏ (Sequoioideae) hoặc cây bách tán (Araucariaceae) cũng rơi xuống.
Khối nhựa này chứa một con rệp, bị dòng nước đẩy về phía xương khủng long và mắc lại trên hàm nó. Cuối cùng, bộ xương bị bao phủ trong trầm tích suốt hàng chục triệu năm, trở thành hóa thạch. Khối nhựa cây cũng cứng lại thành hổ phách.
Đây là phát hiện đầu tiên dạng này ở Bắc Mỹ, đem lại thông tin khoa học về môi trường sinh sống của khủng long. Ví dụ, vết tích cây và côn trùng cổ đại trong hổ phách giúp khẳng định điều mà nhiều nhà cổ sinh vật nghi ngờ. Đó là một số khủng long mỏ vịt, trong đó có chi khủng long Prosaurolophus với cơ thể dài 9 m, từng ăn cây lá kim gần các bãi bồi ven biển.
No comments:
Post a Comment