Một bộ xương quái vật biển kỳ dị, gần như nguyên vẹn, có giá trị lớn đối với ngành cổ sinh vật học đã được tìm thấy tại thung lũng cá voi Wadi Al Hitan (Ai Cập).
Cá voi là một động vật có vú đã có một bước tiến hóa lạ lùng bậc nhất Trái đất: từ bỏ mặt đất, "biến hình" dần dần theo cách tự làm tiêu biến đôi chân, mọc thêm đuôi và vây cá để sống dưới đại dương. Tổ tiên có chân của cá voi và cả những con cá voi đại dương đầu tiên đã từng được khai quật, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà cổ sinh vật học tìm thấy một sinh vật thuộc về nấc thang tiến hóa trung gian giữa 2 loài nói trên - giai đoạn "biến hình" kỳ diệu của giống loài này.
Aegicetus gehennae.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Philip Gingerich (Đại học Michigan, Mỹ) gọi "quái vật biến hình" mà họ vừa tìm thấy là "mối liên kết bị mất".
Sinh vật dài 3,7m là một loài hoàn toàn mới trong họ nhà cá voi, được đặt tên là Aegicetus gehennae. Nó có thân và đuôi thon dài hơn so với các con cá voi lưỡng cư trước đó, chân cũng nhỏ hơn và đặc biệt là 2 chân sau không hề liên kết chắc chắn với cột sống. Cột sống của nó lớn hơn và khỏe hơn các tổ tiên, như một bước chuẩn bị sẵn sàng cho việc mất chân và phải bơi hoàn toàn bằng đuôi trong tương lai.
Cận cảnh các đốt sống thể hiện quá trình "biến hình" của sinh vật nửa cá, nửa động vật có vú này - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).
Theo tiến sĩ Gingerich, sinh vật này đã bơi giống cách mà các con cá sấu bơi ngày nay. Đó là một con đực 35 triệu tuổi, ước tính nặng hơn 900kg khi còn sống. Trong khi đó, những con cá voi lưỡng cư có chân sống trong giai đoạn 41-47 triệu năm về trước, còn những con cá voi đầu tiên mang dáng dấp giống cá voi hiện đại xuất hiện từ 37 triệu năm về trước.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học PLOS ONE.
"Thung lũng cá voi" Wadi Al Hitan là một di sản UNESCO, nơi từng cung cấp cho giới sinh vật học rất nhiều bộ xương cá voi thời tiền sử. Hài cốt "quái vật" đặc biệt trên đã lộ diện sau một vụ lở đất.
No comments:
Post a Comment