Vào năm 1993, khi bộ phim "Công viên kỷ Jura" ra rạp, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loài săn mồi có thể đã ăn thịt cả khủng long. Vào thời điểm đó, một nhóm thợ săn hóa thạch do nhà cổ sinh vật học David Krause dẫn đầu đang khám phá hòn đảo Madagascar.
Ở đó, họ phát hiện ra xương của một loài lưỡng cư khổng lồ 70 triệu năm tuổi. "Qua hình thái của hóa thạch chúng tôi biết đó là một con ếch nhưng chúng tôi bị choáng bởi kích thước của nó", Krause nói. Nó đại diện cho một loài mới. Và nhóm của Krause đã đặt cho nó một biệt danh đáng sợ: "Con ếch đến từ địa ngục".
Kích thước của "con ếch địa ngục" có thể dài tới 0,4 mét từ đầu mũi đến cuối cột sống. Trọng lượng tối đa ước ở mức 4,08 kg trở lên. Để so sánh, chúng ta lấy ví dụ về loài ếch lớn nhất hiện nay - ếch Goliath ở phía tây châu Phi dài 0,1 mét và nặng 0,45 - 0,9 kg.
Ngày nay, các nhà khoa học đã phân loại chúng và đặt tên là Beelzebufo ampinga. Trong tiếng Hy Lạp và tiếng Latin, Beelzebufo có nghĩa là "con quỷ", ampinga là có nghĩa là "khiên", ám chỉ một bộ áo giáp trên lưng chúng.
Các chuyên gia nhận định rằng ếch Beelzebufo có chế độ ăn đa dạng. Thông qua các hóa thạch ở Madagascar cho thấy, chúng ăn chim, thằn lằn, rắn và động vật có vú nhỏ, thậm chí chúng ăn những con cá sấu nhỏ và cả khủng long con. Nhưng làm thế nào mà ếch Beelzebufo có thể chế ngự được những con mồi như vậy? Câu trả lời chính là sức mạnh của cơ hàm. Theo một số nghiên cứu gần đây, ếch Beelzebufo có một vết cắn được gọi là "địa ngục".
Vào tháng 9 năm 2017, một bài báo cáo khoa học nói về sức mạnh cơ hàm của nhóm ếch sừng (chi Ceratophrys), loài có quan hệ gần nhất với ếch Beelzebufo được công bố. Chúng sống chủ yếu ở Nam Mỹ và còn được gọi với cái tên "ếch Pacman".
Hầu hết ếch, cóc, kỳ nhông có hàm rất yếu và hiếm khi cắn để tự vệ. Tuy nhiên, những con ếch sừng không ngại cắn những kẻ tấn công.
Bị hấp dẫn bởi hành vi này, một nhóm các nhà nghiên cứu đã quyết định tìm hiểu những vết cắn của ếch Pacman có thể mạnh đến mức nào. Tiến sĩ Sean Wilcox, đồng tác giả trong nghiên cứu nói rằng: "Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về lực cắn ở động vật có xương sống trên cạn nhưng không có nghiên cứu nào trước đó cố gắng đo lực cắn của ếch."
Để giúp lấp đầy khoảng trống kiến thức đó, nhóm nghiên cứu đã chọn ếch sừng của Cranwell (Ceratophrys cranwelli) để làm thí nghiệm. Chúng bị dụ cắn vào một bộ chuyển đổi lực để định lượng lực nén.
Một mối tương quan đã được tìm thấy giữa các phép đo cơ thể của một con ếch và sức mạnh của vết cắn nó tạo ra. Ví dụ, một con ếch nhỏ với cái đầu dài 45 mm có thể tạo ra lực cắn khoảng 30 Newton. Để hiểu được cảm giác này như thế nào, hãy cố gắng giữ cân bằng 3 lít nước trên đầu ngón tay của bạn. Bạn sẽ đau đớn như thế nào nếu đó là 51 lít nước.
Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu, điều đó có thể so sánh với vết cắn của loài ếch Ceratophrys lớn nhất, đầu dài 0,1 mét, lực cắn quy đổi khoảng 500 Newton.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ 8 loài lưỡng cư để đánh giá sức mạnh hàm của ếch Beelzebufo. Theo dự đoán, những con trưởng thành có thể tạo ra một vết cắn mạnh 2.200 Newton. Nó tương đương lực cắn của sói xám và hổ.
Tuy nhiên, ếch Beelzebufo thường sử dụng phương pháp "ngồi và chờ", chúng trốn trong bùn hoặc lá, tận dụng lớp da ngụy trang. Khi phát hiện mục tiêu, chúng sử dụng lưỡi cực kỳ dính để bắt con mồi và cơ hàm mạnh mẽ sẽ khiến việc con mồi trốn thoát là không thể.
No comments:
Post a Comment