Theo các nhà nghiên cứu, Purussaurus mirandai - loài cá sấu cổ đại có cân nặng tới 3 tấn và dài bằng một chiếc xe buýt, có thừa một xương hông và các xương vai thẳng đứng.
Một nhóm nghiên cứu quốc tế, dẫn đầu bởi các nhà cổ sinh vật học ở Zurich, Thụy Sĩ đã tiến hành phân tích mẫu hóa thạch của các cá thể mirandai thời tiền sử, để khám phá cách di chuyển của chúng.
Nhóm nghiên cứu trên, dẫn đầu bởi giáo sư Torsten Scheyer thuộc Viện Cổ sinh vật học Zurich, phát hiện rằng loài cá sấu này mọc thêm một đốt ở phần đáy của cột sống. Bên cạnh đó, phần xương vai của chúng cũng có cấu tạo rất khác so với các loài cá sấu còn sống.
Cho đến nay, đây là loài cá sấu duy nhất được phát hiện có thêm một đốt ở phần xương sống dưới cùng của chúng. Điều này được giới khoa học cho là xuất phát từ một bộ gene mà chỉ riêng chúng sở hữu, và gần như biến mất ở các chủng loài cá sấu hiện đại.
Các chuyên gia giải thích sự khác biệt về cấu tạo cơ thể này cho phép loài cá sấu khổng lồ di chuyển “trên quãng đường lớn” ở các môi trường sông nước, đầm lầy cũng như trên đất liền.
Tiến sĩ Scheyer cho biết họ đã rất may mắn tìm thấy nhiều hóa thạch ở Venezuela, và chúng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong quá trình tiến hóa giữa các loài cổ đại và hiện đại.
“Những bộ xương cổ này một lần nữa cho chúng ta thấy sự biến đổi hình thái có thể nhìn thấy bằng mắt thường ở một số loài động vật đã tuyệt chủng có thể vượt xa những gì được biết đến ở các loài còn đang sống, và từ đó mở rộng kiến thức về những gì động vật có thể làm trong quá trình tiến hóa.'
Theo giáo sư John Hutchinson từ Đại học Thú y Hoàng gia Anh, Purussaurus mirandai có cân nặng tương đương một con voi châu Á, và có chiều dài gần 8 mét. Chúng tồn tại cách đây 6 triệu năm, chủ yếu ở khu vực hiện nay là Venezuela, và là một trong những loài cá sấu lớn nhất thế giới.
"Phát hiện này rất quan trọng vì nó cho thấy những thay đổi mang tính sinh học của loài cá sấu khi chúng tiến hóa và có kích thước cơ thể lớn hơn", giáo sư Hutchinson nói.
No comments:
Post a Comment