Mặc dù không phải là loài có khả năng tạo ra ngọc trai nhiều nhất nhưng hàu cho đến nay vẫn là loài động vật thân mềm chủ yếu được nuôi để cấy ngọc trai. Vậy làm sao để hàu có thể tạo ra ngọc trai? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Hầu hết đồ trang sức được tạo ra từ kim loại quý nhưng ngọc trai lại được tìm thấy trong cơ sinh vật sống, ví dụ như một con hàu. Tất nhiên hàu không phải là loài động vật thân mềm duy nhất có thể tạo ra ngọc. Bởi lẽ con ngao và trai cũng có thể tạo ra ngọc nhưng trường hợp đó hiếm hơn nhiều.
Theo Howstuffworks, ngọc trai là kết quả của một quá trình sinh học và là cơ chế tự bảo vệ của hàu khỏi các chất lạ xâm nhập vào. Hầu hết ngọc trai đều được sản xuất trong cả môi trường nước mặn lẫn nước ngọt. Để hiểu làm thế nào để ngọc trai có thể hình thành bên trong con hàu, trước tiên bạn phải hiểu giải phẫu cơ bản của một con hàu.
Dưới đây là danh sách những bộ phận của một con hàu:
Miệng
Dạ dày
Tim
Ruột
Mang
Hậu môn
Cơ giạng
Lớp mantle
Khi hàu dần lớn lên và tăng trưởng về mặt kích thước, vỏ của nó cũng phát triển theo. Lớp mantle của hàu là cơ quan tạo ra vỏ hàu và chúng sử dụng khoáng chất từ thức ăn của hàu. Vật liệu tạo ra từ lớp mantle này còn được gọi là xà cừ.
Sự hình thành của một viên ngọc trai tự nhiên bên trong con hàu bắt đầu khi một chất lạ rơi vào giữa lớp mantle và vỏ hàu, làm kích thích lớp mantle. Phản ứng tự nhiên của hàu là ngay lập tức bịt vỏ lại và che phủ chất ngoại lai để bảo vệ chính nó. Lớp mantle nhanh chóng che phủ chất lạ bằng một lớp giống như xà cừ (vật liệu tạo nên vỏ hàu). Cuối cùng lớp phủ chứa canxi và protein này sẽ dần tạo thành một viên ngọc trai.
Cấu tạo của một con hàu.
Nói cách khác, một viên ngọc trai được tạo ra từ một chất lạ và được phủ xung quanh một lớp xà cừ. Hầu hết những viên ngọc trai mà bạn thấy tại các cửa hàng là loại đã được gia công và mài tròn trịa. Đôi khi giá trị của viên ngọc trai đó còn nằm ở công đoạn gia công. Thực tế không phải ngọc trai tự nhiên nào cũng đẹp như vậy.
Nhiều viên ngọc trai hình thành ngoài tự nhiên có hình dạng không được đồng đều. Chúng gọi là ngọc trai baroque. Ngọc trai có rất nhiều màu sắc, gồm trắng, đen, xám, đỏ, xanh dương và xanh lá cây. Hầu hết ngọc trai được tìm thấy trên khắp thế giới nhưng ngọc trai đen thường chỉ thấy ở vùng biển phía nam Thái Bình Dương.
Ngoài ra còn có một loại ngọc trai nuôi cấy. Chúng cũng được tạo ra theo cùng một cách như ngọc trai tự nhiên. Tuy nhiên khác một chỗ, chính con người sẽ đưa chất lạ vào trong cơ thể hàu để kích thích chúng tạo ra ngọc trai. Để nuôi cấy trai trong hàu, các chuyên viên sẽ mở nhẹ vỏ hàu, sau đó cắt một khe nhỏ trong mô mantle và đưa vật thể mong muốn vào.
Cơ chế hình thành ngọc trai sau đó diễn ra giống như ngọc trai tự nhiên. Trong nuôi cấy ngọc trai nước ngọt, việc cắt lớp mantle là đủ để kích thích trai tiết ra xà cừ và tạo ra ngọc trai mà không cần phải cho chất lạ vào.
Ngọc trai nuôi cấy và ngọc trai tự nhiên nhìn chung có chất lượng tương đương nhau nhưng ngọc trai nuôi cấy thường rẻ hơn vì chúng không hiếm.
No comments:
Post a Comment