Khoảng 150 năm trở về trước, tất cả các giấy tờ, thư từ đều viết tay bằng bút chấm mực, và cứ khoảng 1 đến 2 từ người ta lại phải chấm bút vào lọ mực khiến cho việc viết lách rất chậm và dễ dây bẩn.
Thế rồi máy đánh chữ ra đời. Những chiếc máy đánh chữ đầu tiên làm bằng kim loại nên rất nặng và có cơ chế hoạt động hơi giống như chiếc đàn piano, tức là khi bạn ấn vào một phím thì một chiếc cần nảy lên làm cho búa ở đầu cần gõ vào dây đàn và tạo ra âm thanh.
Tương tự như vậy, ở đầu cần của các phím máy đánh chữ là các búa in các chữ cái. Khi bạn bấm vào phím có chữ A thì đầu búa của phím đó gõ lên giấy và in ra chữ A, đồng thời tờ giấy nhích một chút sang bên trái để cho búa thứ hai sẽ gõ vào chỗ trống ngay bên phải chữ A. Cứ như vậy bạn sẽ gõ được đủ một từ, và gõ nhiều thì sẽ được cả quyển sách.
Chiếc máy chữ đầu tiên có thứ tự các chữ cái giống như trong bảng chữ cái. Vấn đề là nếu bạn gõ nhanh thì hai phím cạnh nhau rất dễ bị mắc, nhất là nếu hai phím đó đứng cạnh nhau. Việc sắp xếp lại vị trí các phím sẽ giảm khả năng các phím bị mắc.
Nhà phát minh người Mỹ tên là Christopher Sholes là người thành công nhất khi đưa ra biện pháp giảm thiểu mắc phím máy chữ. Ông đã thử nhiều cách sắp xếp và cách tốt nhất gần giống với bàn phím theo thứ tự QWERTY mà chúng ta dùng ngày nay.
Ông Sholes đã bán phát minh này cho Công ty Remington ở Mỹ. Vào những năm 1870, công ty Remington đã sản xuất và bán ra những chiếc máy đánh chữ đầu tiên phục vụ mục đích thương mại. Những chiếc máy này có bàn phím theo thứ tự QWERTY.
Sau đó khoảng 100 năm, nhiều người làm công việc đánh máy văn bản đến nỗi đây trở thành một nghề chuyên nghiệp ở khắp nơi trên thế giới. Họ sử dụng bàn phím QWERTY quen thuộc đến mức mọi người khó có thể thay đổi thói quen sử dụng bàn phím theo một cách sắp xếp khác.
Bên cạnh bàn phím QWERTY, một số bàn phím khác cũng được phát minh và được coi là dễ học hơn bàn phím QWERTY. Tuy nhiên, không có cái nào đủ sức mạnh đánh bại QWERTY.
QWERTY được phát minh để dùng cho bảng chữ cái tiếng Anh. Một số ngôn ngữ khác sử dụng các bàn phím khác, ví dụ như AZERTY dùng cho tiếng Pháp, QWERTZ dùng cho tiếng Đức, hay QZERTY cho tiếng Ý. Bạn cũng có thể thấy một bàn phím dùng cho tiếng Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment