Các nhà nghiên cứu phát hiện hóa thạch nguyên vẹn tới từng tế bào của cây hoa loa kèn lâu đời nhất thế giới ở Brazil.
Hóa thạch hoa loa kèn cổ nhất thế giới được khai quật từ một mỏ đá ở Brazil và có niên đại khoảng 115 triệu năm trước. Hóa thạch này còn nguyên vẹn với rễ cây, một bông hoa và thậm chí vẫn lưu giữ những tế bào. Các nhà nghiên cứu suy đoán cây hoa mọc dọc bờ một hồ nước ở nơi ngày nay là thành phố Crato phía đông bắc Brazil.
Nhóm thực vật có hoa (angiosperm) xuất hiện lần đầu tiên cách đây 140 triệu năm và sinh sôi trên khắp thế giới, trở nên phổ biến hơn nhiều loài thực vật khác. Ngày nay, có hơn 350.000 loài cây có hoa khác nhau, và hóa thạch có tên gọi Cratolirion bognerianum nằm trong số những cây hoa đầu tiên tiến hóa. Chúng cũng sống sót qua sau sự kiện tuyệt chủng từng xóa sổ phần lớn động thực vật trên Trái Đất, bao gồm khủng long, cách đây 66 triệu năm.
Nhà thực vật học Clement Coiffard phát hiện mẫu hóa thạch trong bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Berlin, Đức. "Mẫu hóa thạch chúng tôi mô tả ở đây đến từ lớp đá vôi trầm tích Crato plattenkalk. Nó có nguồn gốc từ mỏ đá lộ thiên ở vùng Santana do Cariri tại bang Ceará, Brazil, nơi đá được khai thác để phục vụ xây dựng", Coiffard cho biết.
Cratolirion bognerianum nằm trong lớp thực vật một lá mầm, cùng với linh lan, hoa phong lan và cỏ ngọt. Theo Coiffard, từ loài hoa này và những loài khác thuộc hệ thực vật Crato, có thể suy ra thực vật có hoa ở vùng nhiệt đới thời nguyên thủy rất đa dạng.
Các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp chụp cắt lớp để quan sát bên trong mẫu đá và kiểm tra phần lá, cánh hoa và nhụy hoa mà không làm hỏng mẫu hóa thạch. Với chiều dài gần 40cm, mẫu vật không chỉ lớn mà còn cho thấy nhiều đặc điểm của loài này như các gân song song, phiến lá dẹt có vỏ bọc, hệ rễ dạng sợi và hoa chia ba nhánh. Trái với các cây hoa khác cùng thời kỳ ở Argentina, Trung Quốc, Bồ Đào Nha và Mỹ, cây hoa thuộc hệ Crato đa dạng hơn hẳn, có thể do hồ Crato nằm ở vĩ tuyến thấp hơn.
No comments:
Post a Comment