Saturday, June 1, 2019

Phát hiện hóa thạch nấm khoảng một tỷ năm tuổi

Khám phá mới về hóa thạch nấm ở Canada có thể định hình lại hiểu biết của chúng ta về cách sự sống phát triển.

Các nhà khoa học đã khai quật được nấm hóa thạch có niên đại lên tới một tỷ năm, trong một khám phá có thể định hình lại sự hiểu biết của chúng ta về cách sự sống trên Trái Đất tiến hóa và phát triển, nhóm nghiên cứu từ Đại học Liege, Bỉ hôm 22/5 cho biết. Trong nhiều thập kỷ qua, loài nấm được biết đến sớm nhất được cho là chỉ xuất hiện khoảng nửa tỷ năm trước. 

Hóa thạch nấm một tỷ năm tuổi nhìn dưới kính hiển vi. (Ảnh: Discover Magazine).

Mẫu hóa thạch gần đây được khai quật ở Canada và được phân tích bằng công nghệ tiên tiến nhất. Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra các vi hóa thạch (microfossil) để xác định thành phần hóa học của tế bào nấm. Dựa trên sự hiện diện của kitin, một chất xơ hình thành trên thành tế bào nấm, và việc xác định tuổi của đá dựa trên tỷ lệ các nguyên tố phóng xạ, nhóm nghiên cứu kết luận các vi hóa thạch có tuổi từ 900 triệu đến một tỷ năm. 

Corentin Loron, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết phát hiện mới rất có ý nghĩa vì trong "cây sự sống", nấm là một phần của nhóm sinh vật nhân thực (Eukaryote) bao gồm thực vật, động vật và nấm. "Điều này có nghĩa là nếu nấm đã có mặt khoảng 900-1.000 triệu năm trước, thì động vật có thể cũng như vậy", Loron nói.

Nấm vẫn là một trong những sinh vật sống phong phú nhất trên hành tinh và là nguồn đóng góp lớn thứ ba cho sinh khối toàn cầu sau thực vật và vi khuẩn. Nó nặng gấp sáu lần khối lượng của tất cả các loài động vật và con người cộng lại. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature.

No comments:

Post a Comment