Hóa thạch của loài khủng long mới gây ngạc nhiên cho giới khoa học khi được tìm thấy tại một vùng đất trước đây là sa mạc khô cằn.
Các nhà cổ sinh vật học từ Đại học Quốc gia La Matanza, Argentina hôm qua công bố về phát hiện hóa thạch của loài khủng long chân thằn lằn sinh sống cách đây 110 triệu năm ở trung tâm nước này. Neuquén, nơi hóa thạch được tìm thấy gây bất ngờ lớn cho giới khoa học bởi khu vực này từng là sa mạc khô cằn vào thời kỳ đó, AFP đưa tin.
Địa điểm nơi hóa thạch được tìm thấy từng là sa mạc khô cằn. (Ảnh: AFP).
Jose Luis Carballido từ bảo tàng Egidio Feruglio, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, hầu hết các phần của xương sọ như hàm, mũi, răng và xương giúp xác định hốc mắt đều được lưu giữ nguyên vẹn. Bên cạnh đó, các bộ phận quan trọng như xương cổ, lưng và đuôi cũng được tìm thấy. Nhờ đó, nhóm nghiên cứu có thể tạo hình ảnh phục dựng gần như hoàn chỉnh.
Các phân tích hóa thạch cho thấy đây là một loài khủng long chân thằn lằn chưa từng được biết tới, được đặt tên là Lavocatisaurus agrioensis. Chúng là loài ăn cỏ, có thân hình to lớn, đầu nhỏ và di chuyển bằng 4 chi. Phát hiện là bằng chứng cho thấy các loài khủng long ăn cỏ có thể thích nghi trong môi trường khô cằn với ít thức ăn và nước uống.
Khủng long chân thằn lằn (Sauropod) là những sinh vật trên cạn lớn nhất từng tồn tại trên Trái đất. Chúng xuất hiện vào cuối kỷ Tam Điệp và phân bố ở hầu khắp các lục địa. Một số loài tiêu biểu có thể kể đến như Argentinosaurus nặng tới 120 tấn và loài Supersaurus có thể đạt chiều dài 33 - 34 mét khi trưởng thành
No comments:
Post a Comment