Ở Thung lũng Chết tồn tại một "sát thủ vô hình" khiến con người và nhiều loài động vật phải bỏ mạng.
Trên bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông Nga tồn tại một Thung lũng Chết, nơi được cho là "nghĩa địa" của con người và nhiều loài động vật hoang dã. Được tình cờ phát hiện trong thế kỷ 20, cho đến nay, Thung lũng Chết này vẫn được xếp vào danh sách một trong những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh.
Mọi chuyện bắt đầu từ câu chuyện kỳ lạ của hai người thợ săn sống vào thời thế kỷ 20. Chuyện kể rằng, vào những năm 1930, hai người thợ săn nọ tình cờ đi đến một khu vực kỳ lạ dưới chân núi lửa Kikpnych, trên vùng thượng nguồn sông Geyzernaya ở phía đông Bán đảo Kamchatka.
Trước mắt họ là một vùng đất khô cằn không cỏ cây hoa lá. Mặt đất bao phủ đầy xác động vật chết khô. Trong khi chưa hiểu chuyện gì xảy ra, hai thợ săn bỗng cảm thấy đau đầu dữ dội, lồng ngực cảm giác như bị tấm đá đè nặng.
Họ lập tức quay lại đường cũ, nhanh chóng rời khỏi khu vực kỳ lạ này. Đây là quyết định đã cứu mạng chính họ.
May mắn sống sót trở về cũng là lúc họ đem câu chuyện và những trải nghiệm kỳ dị của mình chia sẻ cho dân làng. Câu chuyện của họ nhanh chóng được đồn ra xa.
Những năm 1940 và 1950 chứng kiến những người ưa mạo hiểm dấn thân vào vùng đất lạ để tìm hiểu rõ thực hư. Tuy nhiên, không một ai trở về. Dân làng sống gần nhất kể lại rằng, 80 người đã ra đi và vĩnh viễn không trở lại.
Nằm trên vùng Bán đảo Kamchatka vùng Viễn Đông xa xôi của Nga, vùng đất kỳ dị có thể khiến con người và động vật bỏ mạng nhanh chóng nổi tiếng khắp nơi. Người ta gọi nó với các tên "Nghĩa địa", "Thung lũng Chết".
Thung lũng Chết Kamchatka cứ thế khiến cho dân địa phương và nhiều người dân sợ hãi không dám tiếp cận nhiều năm sau kể từ câu chuyện 80 người vĩnh viễn ra đi không trở lại.
Mãi cho đến năm 1975, một nhóm các nhà núi lửa học dẫn đầu bởi nhà khoa học Liên Xô Vladimir Leonov tiến hành cuộc thám hiểm vùng đất nghĩa địa đáng sợ.
Ngày 28/7/1975, đoàn của Vladimir Leonov tiến đến vùng đất nơi họ chứng kiến xác động vật và chim chóc nằm chết la liệt trên nền đất hoang. Ba ngày sau đó, các nhà khoa học khoanh được vùng nguy hiểm của Thung lũng Chết, và kết luận rằng, người dân và khách du lịch đã ở gần vùng đất chết rất nhiều lần mà không hề hay biết.
Khám phá này trở thành một trong những phát hiện mang tính lịch sử của Bán đảo Kamchatka. Đoàn khoa học của Vladimir Leonov giống như "hoa tiêu" giúp cho hàng chục nghiên cứu và tìm hiểu của giới khoa học toàn Liên Xô được thực hiện suốt từ năm 1975 đến 1983.
8 năm sau kể từ cuộc thám hiểm khoa học đầu tiên, giới khoa học đã giải mã được nguyên nhân biến Kamchatka trở thành Thung lũng Chết đáng sợ đến vậy.
Theo đó, Thung lũng Chết là một vùng đất nhỏ, rộng 500m và dài 2000m. "Sát thủ vô hình" gây ra cái chết hàng loạt ở vùng đất này là do hàng loạt khí độc thoát ra từ hoạt động của núi lửa gần đó gây nên.
Hỗn hợp các loại khí độc gồm Hydrogen sulfide (H2S), Carbon dioxide (CO2), Sulphur dioxide (SO2), Carbon disulfide (CS2) cùng một số khí độc khác. Chúng tích tụ ở vùng đất thấp, kín gió trong thung lũng và tạo nên "hồ khí độc", có thể giết bất cứ sinh vật nào nếu ở bị ngấm độc đủ lâu.
Theo các nhà khoa học, khoảng thời gian từ tháng Năm đến tháng Mười hàng năm, vùng đất này sẽ trở thành "sát thủ tự nhiên" đáng sợ nhất bởi đó là lúc tuyết tan, tạo cơ hội giải phóng các loại khí độc ra bên ngoài.
Những nạn nhân đầu tiên phải kể đến là các loài chim tìm đến các con sông băng để uống nước. Rồi đến các loài cáo, sói, gấu đến săn mồi và uống nước.
Sở dĩ, xác động vật đã chết phần lớn còn nguyên vẹn là do xác chúng được vùng đất khí độc "bao bọc" khỏi các loài vi khuẩn phân hủy xác.
Bí ẩn lớn nhất mà các nhà khoa học chưa thể trả lời được tại Thung lũng Chết này là: Tại sao động vật không chạy khi chúng xuất hiện các triệu chứng ban đầu? Và tại sao chúng lại đến khu vực này để kiếm ăn sau một mùa đông giá lạnh?
Một số nhà khoa học tin rằng các nguyên tố trong khí của thung lũng có thể gây tê liệt một phần cơ thể các loài động vật khiến chúng không thể di chuyển hoặc bay đi xa, nhưng điều này chưa được chứng minh.
Đối với con người, khi đi lạc vào khu vực này thường bị đau đầu, sốt và yếu cơ, đôi khi có thể mất mạng nếu không được can thiệp y tế kịp thời hoặc đi lạc quá sâu vào vùng đất chết này.
Mặc dù sở hữu cảnh quan tự nhiên đẹp mắt, nhưng Thung lũng Chết được chính phủ Nga cách ly hoàn toàn, cấm mọi hoạt động du lịch tại đây.
Tuy nhiên, khi đến Bán đảo Kamchatka, khách du lịch vẫn có thể ngắm cảnh quan, cũng như Thung lũng mạch nước nóng, các núi lửa đang âm ỉ cháy như Karymsky và Maly Semyachik...
Bán đảo Kamchatka có hơn 15.000 con gấu nâu, 10.000 con cừu tuyết, 1.500 con tuần lộc, chó sói, cáo, và cá sấu - chưa kể đến một nửa số đại bàng biển Steller khổng lồ trên thế giới sinh sống tại đây. Các khu vực ven biển là nơi sinh sống của chín loài cá voi, các loài chim biển khổng lồ và hàng ngàn loài rái cá biển.
No comments:
Post a Comment