Các nhà khảo cổ học Argentina ngày 17/4 thông báo họ vừa phát hiện hóa thạch của một gia đình loài Glyptodon (thú răng chạm) có niên đại 600.000 năm, được lưu giữ gần như nguyên vẹn tại thành phố San Pedro, cách thủ đô Buenos Aires 170 km về phía Tây Bắc.
Giám đốc Bảo tàng cổ sinh vật học tỉnh Buenos Aires, José Luis Aguilar, cho biết đây là phát hiện thứ 3 về hóa thạch loài Glyptodon trong tháng này tại Argentina, đồng thời xác nhận các mẫu sinh vật cổ trên chết ở kỷ Pleistocene giữa, cách đây khoảng 600.000 năm về trước.
Vị trí, xương và đặc điểm xung quanh của 3 hóa thạch khổng lồ đó sẽ giúp các chuyên gia nghiên cứu tái hiện lại bối cảnh diễn ra ở thời tiền sử tại Buenos Aires.
Ông Aguilar cho biết một con Glyptodon có khả năng đã chết vì bị mắc kẹt trong đầm lầy trong khi hai mẫu sinh vật cổ còn lại bị động vật khác ăn thịt, do có một hóa thạch còn nguyên vẹn đến 99% và các xương khớp của nó đều nối với nhau.
Glyptodon là loài thú có mai trong họ Glyptodontidae. Đây là động vật ăn cỏ lớn, tổ tiên của loài Armadillo với lịch sử tiến hóa dài, sinh sống ở vùng Nam Mỹ từ 35 triệu năm cho đến khi tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước.
Hồi tháng trước, các nhà khảo cổ cũng phát hiện hóa thạch của động vật và thực vật có niên đại 50 triệu năm tại chân núi El Fresco ở thị trấn Puelen, tỉnh La Pampa, cách thủ đô Buenos Aires hơn 1.000km.
Đầu tháng này, nhóm chuyên gia nghiên cứu khảo cổ Argentina đã bắt đầu phục hồi di tích hóa thạch của một con Glyptodon thuộc loại Doedicurus Clavicaudatus, loài Glyptodon lớn nhất sống cách đây 24.000 năm trước, được tìm thấy tại khu vực Mar Chiquita, cách Buenos Aires 380km.
Trong suốt một thập kỷ qua, nhiều hóa thạch của Glyptodon, lười khổng lồ (megatherium) và voi răng mấu (mastodon) đã được phát hiện tại tỉnh Pampa của Argentina.
No comments:
Post a Comment