Chú tê giác Bắc Phi đực cuối cùng - Sudan - đã chính thức qua đời. Có thể nói, cả giống loài này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong thời gian rất gần.
Như đã đưa tin, Sudan - con tê giác đực cuối cùng thuộc loài tê giác trắng Bắc Phi - đã qua đời ở tuổi 45. Hiện tại, thế giới chỉ còn sót lại đúng 2 cá thể tê giác trắng, tất cả đều là giống cái, và là đều là hậu duệ của Sudan mà thôi.
Và lý do gây ra thảm cảnh này là gì? Chủ yếu chính là do nạn săn trộm của con người.
Tại sao tê giác trắng bị đuổi cùng giết tận đến vậy? Đáp án không chỉ là lòng tham.
Tê giác trắng - cũng giống như các họ hàng của nó - là những sinh vật khổng lồ, nặng tới hơn 2 tấn. Chúng ăn cỏ, nhưng có thể trở nên cực kỳ hung dữ để bảo vệ lãnh thổ của mình. Tin tôi đi, chẳng ai muốn đối mặt với một cú húc toàn lực của tê giác đâu - gần như 100% sẽ chết.
Nhưng tại sao lại có người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tấn công một loài vật to lớn và nguy hiểm như vậy? Hơn nữa, ngay cả khi chúng gần như đã đối mặt với nạn tuyệt chủng, người ta vẫn săn đuổi chúng?
Đến thời điểm này, có thể nói tê giác trắng đang thực sự phải đối mặt với số phận bị tuyệt chủng.
Với vài kẻ săn trộm, câu trả lời đơn giản chỉ là lòng tham. Nhưng tin được không, theo như khảo sát của CNN, phần lớn lại liên quan đến câu chuyện... sinh tồn. Khi gia đình bạn đói khổ và tương lai thật u ám, số phận của một loài tê giác cũng chẳng nói lên một điều gì cả, miễn là nó ra tiền.
Những quốc gia vùng Á Đông cho đến thời điểm hiện tại vẫn có nhu cầu cực lớn dành cho sừng tê giác. Chúng được cho là nguyện liệu thuốc chữa bách bệnh, đồng thời còn là biểu tượng cho quyền lực mà rất nhiều nhân vật sang trọng, quyền quý theo đuổi. Và khi những túi vàng liên tục lởn vởn dạo chơi trên đồng cỏ, thì thật khó để những kẻ săn trộm gần đó có thể bỏ qua.
Cuộc chạy đua với thời gian
Đến thời điểm này, có thể nói tê giác trắng đang thực sự phải đối mặt với số phận bị tuyệt chủng, giống như loài tê giác đen phương Bắc họ hàng của chúng. Nhưng đó là vấn đề của tương lai, còn hiện tại khoa học đang làm tất cả những gì có thể để lưu giữ bộ gene quý báu ấy.
Theo George Paul - bác sĩ thú y tại tổ chức bảo tồn Ol Pejeta Conservancy, loài tê giác trắng Bắc Phi không thể giao phối cùng tê giác đen. Tuy nhiên chúng có thể chúng phù hợp với loài tê giác trắng phía Nam.
Hiện tại, các nhà khoa học đã thành công trong việc lưu trữ gene của Sudan.
Tê giác trắng phương Nam không phải là loài đang gặp nguy hiểm. Tại Ol Pejeta, hiện có 19 cá thể thuộc loài này. Chúng khác biệt về bộ gene so với họ hàng phương Bắc. Nhưng dù thế hệ sau không có 100% bộ gene của tê giác phương Bắc thì cũng còn hơn không làm gì và để cả một giống loài biến mất.
Ngoài ra, khu bảo tồn đang hướng đến những phương pháp sinh sản công nghệ cao, trong đó có việc thụ tinh trong ống nghiệm.
"Nhiều quốc gia khác đã thành công khi thụ tinh phôi trong ống nghiệm, rồi đưa vào tử cung của một loài tê giác khác. Phương pháp này được cho là giàu hy vọng nhất" - Paul chia sẻ.
"Tuy nhiên việc có áp dụng hay không còn cần phải nhiều tham vấn từ các chuyên gia".
Hiện tại, các nhà khoa học đã thành công trong việc lưu trữ gene của Sudan, nhằm hướng đến công nghệ sinh sản nhân tạo trong tương lai.
"Sự thật là những cá thể cuối cùng của loài sẽ chết trong thập kỷ tới. Nhưng hy vọng là với sự tiến bộ của công nghệ, chúng ta sẽ mang chúng trở lại trong tương lai" - Paul chia sẻ với một cái nhìn lạc quan.
Giải pháp nào cho các sinh vật bị đe dọa?
Những quốc gia sở hữu các loài vật quý hiếm thường có những tổ chức bảo tồn để bảo vệ chúng. Tuy nhiên, câu chuyện bảo vệ không phải lúc nào cũng ổn thỏa.
Như Kenya là một ví dụ. Quốc gia châu Phi này sở hữu rất nhiều động vật quý hiếm (chính xác hơn là những loài động vật bị săn đuổi đến mức trở thành quý hiếm), và họ phải thành lập tổ chức Dịch vụ động vật hoang dã Kenya để bảo vệ chúng.
Tuy nhiên, tổ chức này đang nhận phải nhiều cáo buộc về nhân quyền, dù họ một mực phủ nhận chúng. Trong số đó, có cả những vụ người dân bản địa mất tích - được cho là bị tổ chức này xử lý dưới vỏ bọc chống nạn săn trộm.
Nạn săn trộm không chỉ xảy ra với tê giác, mà còn nhiều loài vật quý hiếm khác.
Ngoài ra, vấn nạn tham nhũng trong bộ máy chính phủ Kenya cũng ngăn cản việc đấu tranh chống lại nạn săn trộm. Và vấn đề không chỉ nằm ở những quốc gia có thú hiếm. Có cầu mới có cung, và câu chuyện còn lan ra cả những quốc gia tiêu thụ nữa.
Trung Quốc - một trong những quốc gia có nhu cầu về ngà voi và sừng tê lớn nhất thế giới đã phải ra lệnh cấm tiêu thụ các sản phẩm này vào năm 2017. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều phải làm, vì mấu chốt của toàn bộ câu chuyện nằm ở sự phát triển của các quốc gia châu Phi.
Khi quốc gia trở nên bất ổn, nền kinh tế còn rất nghèo, người dân khó lòng chống lại sức cám dỗ để trở thành những kẻ săn bắt động vật quý hiếm. Thế nên, nhiều quốc gia châu Phi rất trông chờ vào sự cứu trợ của các nước phát triển - những quốc gia đã "góp phần"... tàn phá lục địa đen trong quá khứ. Tuy nhiên, những gì các nước phát triển đã làm đến giờ phút này vẫn chưa thể có hiệu quả.
No comments:
Post a Comment