Một nhóm các nhà cổ sinh vật học Argentina và Thụy Điển vừa thông báo đã phát hiện tại Nam Cực hóa thạch của cá voi có niên đại 49,5 triệu năm về trước - đây là chứng tích cổ nhất của loài động vật có vú sống dưới nước này tìm được từ trước tới nay.
Hóa thạch mới được tìm thấy là phần hàm dài 60cm của con cá voi nặng 4-6 tấn thuộc họ Basilosauridae - hậu duệ của loài cá voi lưỡng cư Protocetidae (có bốn chân phát triển) và là thủy tổ của các loài cá voi và cá heo đương đại.
Nhóm nghiên cứu cho biết thông tin hữu ích đầu tiên từ phát hiện này là bằng chứng về tiến hóa, cho thấy loài cá voi lưỡng cư đã phát triển thành động vật sống hoàn toàn dưới nước sớm hơn nhiều so với tính toán của giới khoa học trước đây.
Hóa thạch này được tìm thấy tại đảo Marambio, gần biển Weddell, phía Bắc bán đảo Nam Cực. Khu vực này thuộc về 10% hiếm hoi diện tích có thể đào bới tại lục địa băng giá trên và đây là hóa thạch cá voi đầu tiên được tìm thấy trong vùng nghiên cứu này.
Trong 30 năm qua, Viện nghiên cứu Nam Cực Argentina đã tiến hành nhiều khảo sát khai quật tại khu vực này và từng phát hiện hóa thạch của nhiều loài khủng long, cá, chim cánh cụt khổng lồ, rùa và động vật biển có xương sống; điều này chứng tỏ cách đây hàng chục triệu năm, vùng đất băng giá khắc nghiệt này từng có điều kiện sống khá lý tưởng và có độ đa dạng sinh học cao.
Phần hàm cá voi hóa thạch mới được tìm thấy sẽ được khôi phục và phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Patagonia, thành phố hải cảng Puerto de Madryn, phía Nam Argentina.
No comments:
Post a Comment