Các chuyên gia vừa phát hiện được hóa thạch loài lưỡng cư thời tiền sử cho thấy khả năng mọc lại chi ở một số động vật có thể bắt đầu từ ít nhất 300 triệu năm trước.
Kỳ giông là loài động vật có xương sống 4 chân thời hiện đại có khả năng mọc lại các chi khi trưởng thành.
Tuy nhiên, nhiều động vật khác, như ếch, một số loài cá, cũng có khả năng tái tạo phần nào chi bị mất, cho thấy việc mọc lại chi bị đứt có thể đã diễn ra từ rất lâu, nhưng các nhà khoa học chưa nắm được bằng chứng chính xác về quá trình tiến hóa của chi tái tạo.
Để hiểu rõ hơn về giai đoạn đầu tiên của sự tiến hóa này, các nhà khoa học thuộc Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Berlin (Đức) đã phân tích các hóa thạch của Micromelerpeton crederni, một loài lưỡng cư cổ đại sống từ 310 đến 280 triệu năm trước.
Các hóa thạch trên được tìm thấy trong đống trầm tích của những vùng hồ ở Trung Âu, như hồ Odernheim ở miền tây nam nước Đức.
Nhóm chuyên gia phát hiện một vài hóa thạch Micromelerpeton có những chi bất thường, chẳng hạn một số chi với xương dính vào nhau, hoặc chi có thêm những ngón dư với kích thước nhỏ hơn các ngón bình thường, và tình trạng này có thể thấy ở một số loài lưỡng cư hiện đại khi chúng mọc lại chi.
Điều này cho thấy Micromelerpeton có khả năng mọc lại chi bị mất, theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the Royal Society B.
No comments:
Post a Comment