Nền văn minh Ai Cập cổ đại đã hình thành từ cách đây hàng ngàn năm và là một trong những nền văn minh cổ đại phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử. Không chỉ là chủ nhân của những kim tự tháp đã trở thành kì quan thế giới, người Ai cập cổ đại còn sáng tạo ra nhiều thứ tuyệt vời khác. Bài viết sẽ chỉ ra những phát minh của người Ai cập đã làm thay đổi cuộc sống của con người, thậm chí những ảnh hưởng của họ vẫn còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay.
Trang điểm mắt
Người Ai cập tin rằng trang điểm mắt sẽ giúp con người trở nên trường thọ. Bắt nguồn từ những năm 4000 trước công nguyên, trang điểm vẽ mắt cho tới nay vẫn còn phổ biến. Thậm chí một số nền văn hóa vẫn còn sử dụng các kỹ thuật giống như người Ai Cập đã làm từ hàng ngàn năm trước đây. Họ kết hợp muội than với một khoáng chất có tên galena để tạo ra kohl - một loại thuốc mỡ có màu đen vẫn còn phổ biến tới ngày nay. Họ còn trang điểm mắt có màu xanh lá cây bằng cách kết hợp một loại khoáng chất là malachite với galena.
Đối với người Ai Cập cổ đại, không chỉ phụ nữ mới cần trang điểm. Trong xã hội của họ, vẻ ngoài biểu hiện cho địa vị xã hội cho nên vì thế người có vị thế xã hội càng cao, họ càng trang điểm cầu kì. Thời trang chỉ là một phần của lý do giải thích tại sao người Ai Cập lại thích tô vẽ mắt rất đậm. Họ tin rằng làm như vậy có thể giúp chữa khỏi các bệnh về mắt để giữ cho mắt họ không bị biến thành đôi mắt của quỹ dữ.
Chữ viết
Việc vẽ tranh để thuật lại hay ghi chép không có gì là mới, khi từ cách đây 30.000 BC người cổ đại ở ở Pháp và Tây Ban Nha đã bắt đầu vẽ lên vách hang động nhằm lưu giữ thông tin. Tuy nhiên, Ai Cập và Lưỡng Hà mới là nơi đầu tiên phát triển hệ thống chữ viết từ cách vẽ này.
Hệ thống chữ viết Ai Cập là hệ chữ tượng hình, xuất hiện lần đầu tiên từ năm 6000 trước Công nguyên. Chữ tượng hình là sự miêu tả đơn giản các từ ngữ mà chúng đại diện, nhưng có những hạn chế nhất định. Theo thời gian, người Ai Cập đã thêm vào một số nhân tố khác vào hệ thống chữ viết của họ, bao gồm các ký tự như alphabet đại diện một số âm nhất định và các kí tự khác, cho phép họ viết ra tên và các khái niệm trừu tượng.
Ngày nay, mọi người đều biết đến Ai Cập là nơi khai sinh ra hệ thống chữ viết chạm khắc (hieroglyphics), bao gồm các chữ cái, ký hiệu âm tiết, cũng như ideograms (chữ biểu ý) - hình ảnh đại diện cho toàn bộ cụm từ - được tìm thấy rộng rãi trong lăng mộ Ai Cập và nhiều nơi khác. Các ghi chép này cung cấp cho chúng ta hiểu biết về xã hội Ai Cập cổ đại từ chính trị đến văn hóa. Sau này học giả người Pháp Jean-Francois Champollion tìm thấy phiến đá Rosetta và giải mã thành công, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ đầy bí ẩn về Ai cập cổ đại đã kéo dài trong gần 1500 năm.
Giấy papyrus
Không ai phủ nhận rằng người Trung Quốc đã làm thay đổi cả thế giới với phát minh ra giấy vào khoảng năm 140 trước Công nguyên, nhưng nhiều người không biết rằng người Ai Cập đã làm ra giấy từ cây papyrus từ cách đó hàng ngàn năm (giấy cói). Giấy papyrus có màu ngà, nâu vàng, cứng nhưng có thể uốn cong, và đặc biệt rất bền, được làm từ lõi của một loại cói có tên papyrus, cao khoảng 2-3m mọc hai bên bờ sông Nile. Đặc tính cứng cáp và rất bền của paypyrus còn dùng để may buồm, làm dép, dệt thảm và các nhu cầu thiết yếu khác trong đời sống Ai Cập cổ đại.
Người Ai Cập cổ đại đã giữ kín bí mật kĩ thuật làm giấy papyrus để họ có được lợi thế buôn bán loại giấy này với các nước trong khu vực. Tuy nhiên đến năm 1965 nhà khoa học Hassan Ragab đã tìm ra cách mà người cổ xưa đã tạo ra các tấm giấy papyrus và cố gắng để khôi phục nghề thủ công truyền thống này ở Ai Cập.
Lịch
Ở thời cổ đại lịch đóng vai trò cực kì quan trọng, giúp con người tồn tại trước thiên nhiên khắc nghiệt. Người Ai Cập cổ đại đã sử dụng lịch từ hàng ngàn năm TCN để biết khi nào lũ trên sông Nile sẽ xảy ra, từ đó có biện pháp canh tác phù hợp.
Lịch của người Ai Cập xây dựng để phù hợp với tập quán nông nghiệp và được chia thành ba mùa chính: ngập lụt, phát triển và thu hoạch. Mỗi mùa có bốn tháng, mỗi tháng được chia thành 30 ngày, tất cả là 360 ngày một năm ngắn hơn thực tế một vài ngày. Người Ai Cập đã thêm vào năm ngày giữa mùa thu hoạch và ngập lụt. Năm ngày này được chỉ định riêng là ngày lễ tôn giáo để tôn vinh những người con của các vị thần.
Cày
Nhiều bằng chứng cho thấy người Ai Cập và Sumer là một trong những xã hội đầu tiên sử dụng cày từ những năm 4000 trước CN. Những chiếc cày đầu tiên được cải tiến từ các dụng cụ cầm tay, nên còn quá nhẹ và không hiệu quả khi xới đất. Hơn nữa, phải cần tới 4 người đàn ông khỏe mạnh để kéo chiếc cày này.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào những năm 2000 trước Công nguyên, khi lần đầu tiên người Ai Cập dùng bò để kéo cày. Cách đầu tiên họ sử dụng là buộc cày vào sừng nhưng lại làm gia súc gặp khó khăn khi thở. Về sau họ đã cải tiến bằng cách sử dụng hệ thống dây chằng buộc để đạt hiệu quả cao hơn. Cày đã tạo ra cuộc cách mạng nông nghiệp ở Ai Cập cổ đại, và cùng với chế độ nước đều đặn của sông Nile, việc canh tác nông nghiệp ở xã hội Ai Cập đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều khi so với các nền văn minh khác thời bấy giờ.
5. Kẹo bạc hà
Chúng ta nên cảm ơn người Ai Cập cổ đại với giải pháp xóa đi mùi hôi miệng. Cũng giống như thời hiện đại, người Ai Cập cổ đại coi hơi thở có mùi hôi là triệu chứng của sức khỏe răng miệng kém. Khác với chúng ta, người Ai Cập không sử dụng các đồ uống và thức ăn có nhiều đường, nhưng lại sử dụng các vật dụng bằng đá để xay bột làm bánh mì làm cho cát và các mạt đá vụn tồn tại trong đồ ăn hàng ngày. Kết quả là men răng của họ dần bị tổn thương và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng.
Người Ai Cập khá giỏi về y thuật, nhưng họ lại không có bác sĩ chuyên khoa về răng miệng. Những người không may bị mắc bệnh răng miệng chỉ có cách duy nhất là chịu đựng. Các nhà khoa học khi khai quật xác ướp đã tìm thấy những răng bị sâu và bằng chứng về sự mưng mủ ở nướu răng. Để đối phó với các mùi khó chịu từ các bệnh về răng miệng, người Ai Cập là đã phát minh ra kẹo bạc hà đầu tiên, bằng cách kết hợp trầm hương, nhựa thơm và quế đun sôi với mật ong rồi vê lại thành những viên nhỏ.
4. Bowling
Trong khu định cư Narmoutheos, hình thành từ thời kỳ La Mã còn chiếm đóng Ai Cập ở thế kỷ thứ hai và ba sau Công nguyên, cách Cairo 56 dặm (90km) về phía nam, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một căn phòng có chứa nhiều làn đường và bộ nhiều quả bóng có kích thước khác nhau với. Làn đường này có độ dài khoảng 3,9m, rộng 20cm và sâu 9,6cm với một hình vuông có kích cỡ 12cm ở trung tâm.
Không giống như bowling hiện đại, bowling của người Ai Cập nhắm đích vào các lỗ ở giữa làn đường. Người chơi đứng ở hai đầu đối diện của làn đua và cố gắng để ném bóng vào lỗ trung tâm và đồng thời khiến cho bóng của đối phương đi chệch hướng.
3. Cắt tóc và cạo mặt
Có lẽ người Ai Cập là những người cổ đại đầu tiên cảm thấy sự phiền phức với bộ tóc của họ. Họ coi một bộ tóc bù xù rậm rạp là không hợp vệ sinh, vì cái nóng oi ả của quê hương họ khiến việc để tóc dài và râu rậm là không thoải mái chút nào. Vì vậy, họ thường xuyên cắt tóc và cạo mặt. Thầy tu là những người đặc biệt không thích để râu tóc rậm rạp. Thói quen của họ là cứ 3 ngày họ lại cạo lông toàn bộ cơ thể. Trong xã hội Ai Cập cổ đại, mày râu nhẵn nhụi được coi là lịch sự và “hợp thời trang” trong khi người có bộ râu tóc lởm chởm được bị coi là có địa vị thấp kém trong xã hội.
Người Ai Cập đã phát minh ra những vật dụng có thể dùng để cạo, lúc đầu là bộ lưỡi dao đá nhọn lắp với tay cầm bằng gỗ, rồi sau đó thay thế bằng lưỡi dao cạo bằng đồng. Họ cũng là những người đầu tiên hành nghề cắt tóc. Các thợ cắt tóc đầu tiên đến cắt cho các nhà quý tộc giàu có nhưng sau đó đã hình thành xu hướng cắt cho những khách hàng trung lưu khác ngoài trời, ngay bên dưới các bóng cây râm mát.
Nhưng điều kỳ lạ là, tuy không muốn dể tóc tai bờm xờm họ vẫn muốn để lại một ít râu tóc trên khuôn mặt. Người Ai Cập sử dụng lông cừu để bện thành tóc và râu giả. Thậm chí là các vị vua và hoàng hậu Ai Cập cũng mang những bộ râu tóc giả này. Râu giả có hình dạng khác nhau, để thể hiện phẩm giá và vị trí xã hội của người đeo. Dân thường mang bộ râu giả có kích thước nhỏ hơn dài chỉ 5cm, trong khi vua chúa đeo râu giả khá dài và được tỉa tót cẩn thận vuông vắn ở phía cuối.
2. Khóa cửa
Bạn có biết rằng khóa cửa ngày nay đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước không? Chính người Ai Cập đã tạo ra khóa cửa vào khoảng năm 4000 TCN. Về cơ bản là đây là một khóa trụ tang chốt, có nghĩa ổ khóa gồm một thanh trục lõm được kết nối với các lẫy (pins) có độ dài khác nhau có thể được thao tác bằng cách chèn vào đó chìa khóa. Khi đưa chìa khóa thích hợp vào ổ, các rãnh trên chìa sẽ đẩy các thanh pin lên sao cho các pin sẽ thoát ra khỏi trục khóa. Lúc này, ta có thể xoay trục khóa và mở khóa.
Một hạn chế của các ổ khóa cổ này là kích thước của chúng. Cái lớn nhất dài đến 0,6m. Khóa của người Ai Cập thực sự an toàn hơn so với công nghệ sử dụng lò xo để giữ trục khóa được phát triển về sau bởi người La Mã. Các ổ khóa La Mã đã được ẩn bên trong cánh cửa, nhưng dễ mở hơn nếu so với các ổ khóa của người Ai Cập.
1. Kem đánh răng
Như đã đề cập trước đó, người Ai Cập gặp nhiều vấn đề về sức khỏe răng miệng, bởi vì bánh mì của họ có mạt đá và cát ở trong đó, khiến men răng bị bào mòn dần dần. Cách duy nhất họ có thể làm là giữ cho răng sạch sẽ vì ở thời của họ, không có bác sĩ nha khoa. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tăm chôn cùng với xác ướp, có thể để người chết có thể làm sạch mảnh vụn thức ăn mắc kẹt trong kẽ răng khi đã ở thế giới bên kia. Cùng với Babylon, họ cũng có công phát minh ra bàn chải đánh răng đầu tiên.
Tuy nhiên, người Ai Cập còn đóng góp một phát minh tuyệt vời khác để bảo vệ răng miệng, đó là kem đánh răng. Công thức đầu tiên bao gồm bột của móng bò, tro, vỏ trứng bị đốt cháy và đá bột. Các nhà khảo cổ còn tìm thấy một công thức kem đánh răng cao cấp hơn được ghi chép lại trên giấy papyrus có niên đại vào thế kỷ thứ tư, thời kì La Mã chiếm đóng Ai Cập. Tuy nhiên ghi chép này không giải thích chích xác hàm lượng pha trộn của muối mỏ, bạc hà, hoa iris sấy khô và hạt tiêu xay, để tạo hỗn hợp "bột cho hàm răng trắng và hoàn hảo".
No comments:
Post a Comment