Các nhà khoa học Đan Mạch phát hiện tuổi thọ của loài cá mập Greenland lên tới 400 năm, giữ ngôi động vật có xương sống thọ nhất thế giới.
Theo International Business Times, thông qua phân tích những thay đổi do thử nghiệm bom hạt nhân vào thập niên 1950, lần đầu tiên nhóm nghiên cứu có thể ước tính chính xác tuổi thọ của 28 con cá mập Greenland cái. Họ nhận thấy con lớn nhất và già nhất có độ tuổi từ 335 đến 392 năm.
"Cá mập Greenland nằm trong số những động vật có xương sống sống lâu nhất thế giới, xếp trên cả cá voi đầu cong (Balaena mysticetus) với tuổi thọ ước tính 211 năm", nhóm nghiên cứu kết luận trong báo cáo công bố hôm nay trên tạp chí Science. "Tuổi thọ của cá mập Greenland chỉ kém sò biển (Arctica islandica), loài có thể sống tới 507 năm".
Cá mập Greenland sinh sống ở Bắc Cực. Chúng có tốc độ sinh trưởng rất chậm, chỉ dài thêm một centimet mỗi năm và đạt kích thước tối đa là 5m. Đây là dấu hiệu chỉ ra chúng có thể sống rất lâu. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa hiểu rõ đặc điểm sinh học của chúng. Những phương pháp tính tuổi thông thường như phân tích mẫu vật canxi hóa không phù hợp bởi có rất ít mẫu vật của cá mập Greenland.
Để xác định độ tuổi của cá mập Greenland, Julius Nielsen, nhà nghiên cứu ở Đại học Copenhagen, Đan Mạch và đồng nghiệp xem xét sử dụng một kỹ thuật tính niên đại khác dựa trên những vụ thử nghiệm vũ khí nhiệt hạch. Ảnh hưởng của thử nghiệm để lại dấu vết trong môi trường đại dương và nhóm nghiên cứu tập trung vào thủy tinh thể trong mắt của 28 con cá mập bắt được dọc thềm lục địa Greenland ở độ sâu 132-1.200m.
Những con cá mập nhỏ nhất có lượng carbon phóng xạ cao nhất, cho thấy chúng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các quả bom khi mới chào đời. Khi nhóm nghiên cứu ước tính tuổi thọ của những con cá mập lớn nhất, kết quả chỉ ra tuổi thọ trung bình là 272 năm và một số con đã 400 tuổi. Ngoài ra, họ cũng phát hiện loài cá mập này chỉ sẵn sàng giao phối sau 150 năm.
No comments:
Post a Comment