Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học vẫn không ngừng tranh luận nguyên nhân khiến khủng long tuyệt chủng: va chạm thiên thạch, biến đổi khí hậu, hay là một sự kết hợp của nhiều thảm họa khác nhau?
Một nhóm các chuyên gia hàng đầu về khủng long từ Anh, Mỹ và Canada thực hiện nghiên cứu mới nhất về sự diệt vong cách đây khoảng 66 triệu năm của loài khủng long.
Steve Brusatte, một tiến sĩ của Đại học Edinburgh, Anh, cho hay mực nước biển dâng và núi lửa hoạt động là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tuyệt chủng của nhiều loài động vật, bao gồm khủng long.
Có thể chúng vẫn tồn tại tới ngày nay nếu thiên thạch đâm trúng Trái đất sớm hoặc muộn vài triệu năm.
Tiến sỹ Steve Brusatte thuộc Đại học Khoa học Địa lý, Đại học Edinburgh cho biết: "Những con khủng long là nạn nhân của sự đen đủi chồng chất. Xui xẻo cho chúng vì Trái Đất đã va chạm mạnh với một thiên thạch, và càng xui xẻo hơn nữa khi việc này diễn ra vào đúng thời điểm tồi tệ nhất có thể, khi hệ sinh thái của khủng long đang ở trạng thái dễ bị tổn thương."
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biological Reviews, nếu vụ va chạm thiên thạch xảy ra trước đó khoảng vài triệu năm, khi số lượng các loài khủng long đa dạng hơn và chuỗi thức ăn dồi dào hơn thì chúng đã có thể sống sót.
Nếu vụ va chạm xảy ra muộn hơn, khủng long có thể thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh minh họa
Cũng tương tự như vậy, nếu vụ va chạm xảy ra muộn hơn, khi nhiều loài khủng long mới đã có cơ hội tiến hóa thì chúng sẽ thoát khỏi nạn tuyệt chủng.
Tuy nhiên, thực tế là khi thiên thạch rơi xuống Trái đất - gây ra sóng thần, động đất, cháy rừng, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột và những biến động môi trường khác thì vương quốc khủng long vốn đã suy yếu đã bị quét sạch từ loài này sang loài khác.
Như vậy, nguyên nhân khiến loài khủng long tuyệt chủng là tổng những thảm họa tự nhiên mà không chỉ loài này mà còn rất nhiều loài khác phải hứng chịu.
Khủng long là một nhóm động vật đa dạng thuộc nhánh Dinosauria. Chúng bắt đầu xuất hiện vào kỷ Tam Điệp, 231.4 triệu năm trước, và là nhóm động vật có xương sống chiếm ưu thế trong hơn 135 triệu năm, chúng biến mất vào cuối kỷ Phấn Trắng (66 triệu năm trước), khi Sự kiện tuyệt chủng kỷ Creta-Paleogen dẫn đến sự tuyệt chủng của hầu hết các nhóm khủng long và kết thúc Đại Trung Sinh.
Các ghi nhận hóa thạch cho thấy chim tiến hóa từ theropoda vào kỷ Jura, do đó, chim được xem là một phân nhóm khủng long bởi nhiều nhà cổ sinh vật học.
Vài loài chim sống sót sau sự kiện tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm, và chúng tiếp tục phát triển đến ngày nay.
No comments:
Post a Comment