Hóa thạch của những loài chim kích thước nhỏ được tìm thấy ở New Mexico, Mỹ đã hé mở cho các nhà khoa học vài điều xảy ra sau khi khủng long tuyệt chủng.
Theo đó, hóa thạch của bộ chim chuột 62 triệu năm trước cho thấy lớp chim đã“phục hưng”, phân hóa nhanh chóng và đạt tới số lượng lớn như ngày nay.
Trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, nhóm nghiên cứu cho biết các hóa thạch mới được tìm thấy dưới dạng mảnh vụn chứ không phải nguyên bộ xương. Tuy nhiên, nhờ những đặc điểm quan trọng như ngón chân thứ 4 có thể di chuyển xung quanh, lên trên hoặc xuống dưới giúp chúng leo trèo hay cầm nắm, họ tin tưởng rằng đây là hóa thạch của bộ chim chuột ngày xưa.
Họ đặt tên cho hóa thạch này là Tsidiiyazhi abini. Con cháu của bộ chim chuột này hiện giờ vẫn còn sống trên những nhánh cây vùng hạ Sahara ngày nay.
Ảnh vẽ bộ chim chuột mà hóa thạch của chúng vừa được các nhà khoa học tìm thấy - (Ảnh: Sean Murtha).
Điểm lý thú nhất của những hóa thạch này chính là độ tuổi của hóa thạch, khoảng vài triệu năm sau khi thiên thạch va vào Trái đất dẫn đến khủng long tuyệt chủng khoảng 66 triệu năm trước.
Những động vật có vú khác cũng như lớp lưỡng cư cũng đã gia tăng số lượng nhanh chóng sau sự kiện trên.
Do những hóa thạch của các loài chim trong khoảng thời gian này rất hiếm, các nhà khoa học phải sử dụng đồng thời những nghiên cứu di truyền học để suy luận rằng một số loài đã may mắn sống sót và phát triển trở lại.
Những cây phả hệ trước đây cũng sử dụng dữ liệu này để phân loại các loài chim, tuy nhiên không thể xác định được khoảng thời gian các loài chim mới phân tách khỏi các bộ chim. Giờ đây, với những hóa thạch được định rõ thời gian, nhóm nghiên cứu có thể biết được chính xác khoảng thời gian các loài chim tiến hóa.
Ngoài ra, Ksepka Daniel - nhà nghiên cứu chim cổ ở Bảo tàng Bruce, Connecticut cho biết nhóm nghiên cứu đã xác định được tổ tiên của 9 giống chim trên cạn quan trọng cũng đã sinh sôi nảy nở mạnh mẽ sau thời kỳ khủng long tuyệt chủng, từ bộ chim chuột, cú đến những loài chim săn mồi như diều hâu hay đại bàng. Sau đó khoảng 3,5 triệu năm, các giống chim này bắt đầu phân tách.
Đồng thời Ksepka cũng cho biết các nghiên cứu gần đây cho thấy những loài chim quen sống dưới nước như chim cánh cụt cũng trải qua quá trình tương tự. Đầu năm nay, một nhóm nghiên cứu đã tìm thấy những hóa thạch loài chim cánh cụt cao 1,5m khoảng 61 triệu năm trước ở New Zealand.
“Những hóa thạch mới phát hiện cực kỳ giá trị”, Helen James - nhà cổ sinh vật học ở Viện Smithsonian, Washington D.C nhận xét. “Nghiên cứu này đã củng cố bằng chứng về một thời kỳ gia tăng nhanh chóng những loài chim hiện đại”.
No comments:
Post a Comment