Các nhà khoa học mới đây phát hiện một loài khủng long khổng lồ, nặng ngang bằng máy bay Boeing 737 ở Nam Mỹ.
Cụ thể, trong một nghiên cứu mới đây, loài khủng long thằn lằn hộ pháp (tên khoa học là Titanosauria) ở khu vực Nam Mỹ được coi là động vật lớn nhất trên cạn với trọng lượng khổng lồ lên tới 62 tấn.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, loài khủng long mới này có tên là Patagotitan mayorum (P. mayorum). Đây là một loài khủng long cổ dài đã từng xuất hiện trên Trái Đất cách đây khoảng 100 triệu năm trước.
Bộ xương hóa thạch khủng long P. mayorum khổng lồ được mô phỏng và trưng bày tại bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ. Ảnh: A. Finnin
Với trọng lượng tới 62 tấn, tương đương với gần 11 con voi châu Phi cộng lại. Do đó, đây chính là loài khủng long lớn nhất trong lịch sử, vượt qua cả kỷ lục của một loài thằn lằn hộ pháp được phát hiện trước đó là Argentinosaurus hiunculensis.
Các nhà nghiên cứu cho hay, mặc dù rất phấn khích khi phát hiện ra loài vật sống trên cạn lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất, nhưng họ thậm chí còn kinh ngạc hơn trước số lượng xương hóa thạch rất lớn mới được tìm thấy, thuộc về ít nhất 6 con thằn lằn hộ pháp khổng lồ.
Bằng cách so sánh số xương mới được tìm thấy với những bộ xương trước đó, các nhà nghiên cứu có thể xây dựng một cây phả hệ hoàn chỉnh về thằn lằn hộ pháp.
Cây phả hệ này cho thấy một số loài thằn lằn hộ pháp khổng lồ tìm thấy ở vùng Patogonia thuộc Nam Mỹ, bao gồm Argentinosaurus, Puertasaurus, Notocolossus và và loài khủng long mới xác định – P. mayorum thuộc cùng một nhóm tiến hóa.
Phát hiện khổng lồ
Câu chuyện về thằn lằn hộ pháp bắt đầu vào năm 2012, Aurelio Hernandez, một công nhân ở nông trại La Flecha ở Patagonia (Argentina) tìm thấy một số xương hóa thạch trong khi chăn cừu.
Hernandez đã chỉ chỗ phát hiện hóa thạch cho chủ nông trại là Oscar Mayo, người ngay lập tức nhận ra những mẫu vật này có thể là xương khủng long.
Mayo sau đó đã mời các nhà cổ sinh vật học ở bảo tàng tới nông trại. Các chuyên gia mất tới 18 tháng để khai quật những chiếc xương, trong đó có một khúc xương đùi khổng lồ dài tới 2,4 m.
Các nhà cổ sinh vật học phát hiện rất nhiều khúc xương khổng lồ. Ảnh: Dr. Alejandro Otero/ MEF
José Luis Carballido ở Hội đồng nghiên cứu quốc gia Argentina kiêm trưởng nhóm khai quật, trao đổi với Livescience rằng, kết quả phân tích chỉ ra khu vực này chứa bộ xương của ít nhất 6 cá thể khác nhau.
Phát hiện này quan trọng đến nỗi các nhà nghiên cứu đã cho phép Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ ở New York trưng bày một bộ xương đúc phỏng theo hóa thạch P. mayorum trước khi con vật khổng lồ được đặt tên chính thức vào năm 2016.
Với chiều dài lên tới 37 m, con khủng long phỏng theo nguyên mẫu lớn tới mức không thể đặt vừa trong một căn phòng. Điều này buộc quản lý bảo tàng phải đặt chiếc cổ dài và phần đầu nhỏ của nó ra ngoài hành lang của viện bảo tàng.
Sau thời gian dài nghiên cứu, các nhà khoa học đã đặt tên chính thức cho hóa thạch khổng lồ này là Patagotitan để kỷ niệm nơi phát hiện ra nó.
Kristina Curry Rogers, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Macalester ở St. Paul, Minnesota (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu cho biết, những con khủng long này không được phát triển đầy đủ. Điều này có nghĩa là còn có những con khủng long lớn hơn nữa để khám phá".
P. Mayorum được coi là loài khủng long lớn nhất nhưng chúng không phải là động vật khổng lồ nhất trên hành tinh. Loài vật lớn nhất trên Trái Đất là cá voi xanh với trọng lượng tới 180 tấn. Tuy nhiên, P. Mayorum lại dài hơn nhiều so với cá voi xanh.
Kích thước khổng lồ của khủng long P. mayorum. Ảnh: Dailymail
Các nhà nghiên cứu cho biết, cả 6 con P. mayorum đều có trọng lượng rất lớn với chiều cao khi đứng thẳng tới 15 m.
Chiều dài của P.mayorum thậm chí còn vượt trội hơn cả cá voi xanh (25 m). Ảnh: PA
Hé lộ từ nơi khai quật
Sáu cá thể được khai quật từ ba lớp đất. Điều này có thể tương ứng với ba khoảng thời gian khác nhau. Nhiều khủng long có thể đã chết ở khu vực khai quật này vì nơi đây từng có một hồ nước. Có lẽ yếu tố này đã thu hút nhiều con khủng long Titanosaurs quay lại để uống nước.
Theo Stephen Poropat, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Công nghệ Swinburne ở Melbourne, Australia suy đoán, có thể hồ nước này đã khô cạn trong những đợt hạn hán, do đó mà sáu con Titanosaur đã chết một phần vì khát nước trong thời gian đó.
Poropat phỏng đoán, để duy trì trọng lượng cơ thể khổng lồ, có lẽ những con khủng long hộ pháp (Titanosaurs) phải tiêu thụ lượng thức ăn cũng không hề nhỏ.
Nhad cổ sinh vật học Poropat cho biết thêm, những con Titanosaurs lớn nhất sinh trưởng trong khoảng thời gian tương đối ngắn ở giữa kỷ Phấn Trắng thuộc khu vực Nam Mỹ, cách đây khoảng 83-113 triệu năm.
Có thể chiếc cổ và đuôi dài giúp chúng giảm bớt lượng nhiệt dư thừa trong cơ thể, vì thời kỳ này có nhiệt độ ấm hơn bình thường.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.
No comments:
Post a Comment