Những trận lũ quét thời cổ đại khiến 75 con khủng long vùi xác trong một ao tù và trở thành mỏ hóa thạch lớn ở Mỹ.
Gần 100 năm qua, các nhà khoa học chưa thể lý giải vì sao mỏ khủng long Cleveland-Lloyd ở Texas, Mỹ lại chứa hóa thạch của hơn 75 con khủng long chân thú theropod sống ở kỷ Jura.
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí PeerJ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Indiana Pennsylvania, Mỹ cho rằng những trận lũ quét thời cổ đại chính là nguyên nhân dẫn đến mật độ hóa thạch khủng long theropod cao bất thường ở mỏ trên, Newsweek ngày 6/6 đưa tin.
Phân tích các quá trình tác động đến xác khủng long trong sự hình thành hóa thạch và các khoáng chất trong trầm tích, các nhà nghiên cứu phát hiện mỏ khủng long này từng là một ao tù. Xác khủng long từ nhiều nơi bị cuốn theo các trận lũ quét dồn về đây.
Hóa thạch cá sấu và những loài cá khác không được tìm thấy tại đây, cho thấy chúng không sống trong ao do môi trường quá ô nhiễm vì xác khủng long thối rữa. Trên hóa thạch khủng long tìm thấy tại mỏ cũng không có vết cắn, cho thấy những con khủng long khác cùng thời không ăn xác theropod chết.
Nghiên cứu này cũng bác bỏ các giả thuyết trước đây về mật độ khủng long cao bất thường tại mỏ Cleveland-Lloyd, như hạn hán khiến khủng long bị nhiễm độc và chết hàng loạt tại đây hoặc khủng long bị kẹt trong bùn dày.
No comments:
Post a Comment