Các nhà khoa học tìm thấy 4 con rắn độc bản địa của Nam Phi vốn bị cho đã tuyệt chủng sau khi biến mất suốt một thập kỷ.
"Chúng tôi đã ôm nhau nhảy múa, mừng phát khóc", các nhà khoa học Nam Phi kể với National Geographic về cảm giác của họ khi phát hiện 4 cá thể rắn Albany Adder, loại rắn độc bản địa tưởng chừng đã tuyệt chủng trong thời gian rất dài.
"Loài này được xem là đã tuyệt chủng bởi không ai tìm thấy dấu hiệu của chúng ở những khu vực đó trong 10 năm qua", Bryan Maritz, nhà nghiên cứu bò sát tại Đại học Western Cape của Nam Phi, nói.
Một cá thể rắn Albany Adder. (Ảnh: National Geographic).
Kể từ khi loài rắn độc Albany Adder được phát hiện ở Nam Phi vào năm 1937, cho đến nay các nhà khoa học mới chỉ ghi nhận 12 trường hợp bắt gặp loài vật này.
Với số lượng của loài vô cùng ít, Albany Adder được xem là loài rắn hiếm nhất trên thế giới và là loài bị đe dọa lớn nhất trên hành tinh. Môi trường sống bị phá hủy do hoạt động của con người là vấn đề lớn nhất của rắn Albany Adder.
Các chuyên gia về bò sát gần như không biết gì về hành vi, cách duy trì nòi giống lẫn thực đơn của loài này. "Chưa ai từng bị rắn Albany Adder cắn, vì vậy không ai biết độc tính của chúng", Grant Smith thuộc Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Nam Phi nói.
Trong cuộc tìm kiếm bắt đầu từ tháng 11/2016 đến nay, các nhà khoa học chỉ phát hiện được tổng cộng 4 cá thể còn sống khỏe mạnh. Địa điểm tìm thấy 4 cá thể rắn Albany Adder này được giữ bí mật để ngăn ngừa nạn săn bắt.
Việc bảo tồn rắn Albany Adder bắt đầu với công việc bảo vệ môi trường sống của chúng. "Nếu bạn có thể bảo vệ môi trường sống của chúng, những chuyện khác sẽ nối theo", Smith giải thích.
No comments:
Post a Comment