Phong tục chôn người chết trong bình gốm của người Ai Cập cổ đại tượng trưng cho sự tái sinh ở thế giới bên kia.
Nhiều quốc gia trên thế giới trong thời cổ đại, bao gồm Ai Cập, chôn xác chết của người thân trong bình gốm hoặc bình đựng hài cốt, theo Ancient Origins. Giới khoa học trước đây cho rằng việc chôn cất trong bình gốm chủ yếu được dùng cho đối tượng người dân nghèo, đặc biệt là trẻ em, nhưng một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Antiquity tháng 12/2016 cho thấy nhận định trên là không chính xác.
Ronika Power, nhà khảo cổ sinh học, và Yann Tristant, nhà Ai Cập học, tại Đại học Macquarie, Australia, xem xét những ngôi mộ bình gốm tại 46 địa điểm khảo cổ gần sông Nile. Chúng có niên đại từ năm 3300 trước Công nguyên đến năm 1650 trước Công nguyên. Các bình gốm được đập vỡ hoặc cắt một cách cẩn thận để đặt vừa cơ thể người chết.
Kết quả cho thấy, hơn một nửa số địa điểm khảo cổ chứa hài cốt của người trưởng thành. Các bình đựng hài cốt trẻ em không phổ biến như nhận định trước đây. Trong số 476 hài cốt trẻ em, trẻ sơ sinh và bào thai, có 338 người được chôn trong quan tài bằng gỗ và 329 người được chôn trong bình gốm. Đa số trẻ em còn lại nằm trong giỏ hoặc đồ đựng làm bằng vật liệu lau sậy hoặc đá vôi.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy bằng chứng của sự giàu có trong nhiều ngôi mộ. Một số bình gốm đựng hài cốt chứa vàng, trang sức, ngà voi, chuỗi hạt làm từ vỏ trứng đà điểu và quần áo.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, người Ai Cập cổ đại cố ý chọn lựa bình gốm để chôn cất người thân vì nó tượng trưng cho tử cung của người mẹ, mang hình ảnh biểu tượng cho sự tái sinh vào thế giới bên kia.
No comments:
Post a Comment