Các nhà khoa học vừa công bố loài Thằn lằn ngón mới ở Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình trên tạp chí khoa học chuyên ngành Zootaxa của New Zealand.
Thằn lằn chân ngón sơn - Cyrtodactylus soni - (Ảnh: Lê Trung Dũng).
Loài mới có tên Cyrtodactylus soni - Thằn lằn ngón sơn, tên loài được đặt theo tên của PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn (Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) để ghi nhận những hỗ trợ của ông cho công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam. Mẫu vật của loài mới được thu thập trên vách núi đá vôi, gần khu dân cư, ở độ cao 17 - 28 m so với mực nước biển và cách mặt đất khoảng 0,3 - 1,5 m. Loài này hiện mới chỉ ghi nhận phân bố ở Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân long, tỉnh Ninh Bình.
Thằn lằn ngón sơn có đặc điểm: cơ thể có kích thước trung bình, dài thân đạt đến 103 cm; 10 - 13 hàng gai lưng, 41- 45 hàng vảy bụng; có nếp gấp lưng bên; 6 - 7 lỗ trước huyệt ở con đực và 7 - 8 gờ nông trước huyệt ở con cái, 6 - 8 lỗ đùi ở con đực; vảy đùi nở rộng; 2 - 3 gai sau lỗ huyệt; vảy dưới đuôi nở rộng; mặt trên cơ thể có các vệt ngang màu đen không đều. Khi so sánh trình tự DNA trên gen COI cho thấy loài mới tương đồng nhất với loài Cyrtodactylus huongsonensis (ghi nhận phân bố ở vùng núi Hương Sơn, Hà Nội) nhưng sai khác 5 - 5,5%.
Nghiên cứu là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ và Vườn thú Cologne, CHLB Đức.
No comments:
Post a Comment