Dodo - loài chim bị con người tàn sát đến mức tuyệt chủng - luôn bị gán cho biệt danh "ngu ngốc, khờ khạo". Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã phát hiện đây là loài khá thông minh với những khả năng đặc biệt.
Tại sao chim dodo tuyệt chủng?
Chim dodo - còn gọi là chim cưu, chim cu lười, tên khoa học Raphus cucullatus, họ hàng của loài bồ câu ngày nay - chủ yếu sống ở vùng đảo Mauritius thuộc Ấn Độ Dương. Chúng là hậu duệ của loài sinh vật cổ đại có cánh và bay được, từng thống trị các đảo Mauritius, Reunion, Rodriguez ở khu vực Ấn Độ Dương.
Hình ảnh chim dodo tại Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên thuộc Đại học Oxford (Anh). (Ảnh: Wikimedia).
Đây là loài chim lớn được giới khoa học đặc biệt chú ý do sự khác biệt về cấu trúc cơ thể so với các loài chim hiện đại. Chúng không biết bay và di chuyển chậm chạp do thân hình rất béo (nặng 18-25kg). Loài này làm tổ và đẻ trứng luôn trên mặt đất, bởi đảo Mauritius không có loài thú ăn thịt hay loài động vật nào có khả năng gây nguy hiểm cho chim dodo, trứng và con non của chúng.
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi vào năm 1507 khi các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha ghé qua đảo Mauritius. Họ rất ngạc nhiên khi thấy lũ chim dodo chẳng hề sợ người, dễ dàng để họ bắt ăn thịt. Kể từ đó, các tàu thuyền thường xuyên nghỉ chân ở đảo Mauritius và bắt chim dodo làm thức ăn dự trữ cho những chuyến đi dài ngày. Không biết có bao nhiêu con chim dodo đã bị bắt và giết thịt.
Trong thời kỳ này, các tàu thám hiểm cũng đưa một số con chim dodo về châu Âu. Lewis Carroll - tác giả "Alice ở xứ sở diệu kỳ" - có lẽ là một trong những người ấn tượng với loài chim này khi xây dựng nó thành một nhân vật trong cuốn sách lừng danh đó của mình. Tuy nhiên, điều đáng buồn là việc được đưa sang châu Âu cũng không giúp loài chim đặc biệt này thoát khỏi thảm họa tuyệt chủng. Dù chưa có bằng chứng chính xác nhưng các nhà khoa học tin rằng, con chim dodo cuối cùng bị giết vào năm 1690.
Loài chim lớn này tuyệt chủng không chỉ vì bị bắt giết hàng loạt. Việc con người mang đến đảo Mauritius hàng loạt sinh vật ngoại lai như chuột, khỉ, lợn... cũng chính là tác nhân quan trọng khiến chim dodo hoàn toàn biến mất trên Trái đất, bởi trứng và con non của chúng (nằm trong các tổ được xây dựng trên mặt đất) bị các loài ngoại lai phá hoại.
Chim dodo không ngu ngốc
Con người chẳng những là thủ phạm chính khiến chim dodo bị tuyệt diệt, mà còn gieo tiếng xấu cho loài này. Dodo trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là ngu ngốc. Ở một số nước phương Tây, chim dodo là biểu tượng của sự ngốc nghếch trong văn hóa đại chúng. Tuy nhiên, Bảo tàng Quốc gia Scotland và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch vừa công bố một nghiên cứu mới cho thấy loài động vật này khá thông minh và có những khả năng đặc biệt.
Thực chất, chim Dodo khá thông minh.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích hộp sọ được bảo quản tốt của loài dodo tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Vương quốc Anh ở London, so sánh với 7 loài bồ cầu hiện đại. Eugenia Gold - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết, hộp sọ của chim dodo khá lớn so với kích thước cơ thể. Tỷ lệ này tương đương với bồ câu. Điều đó chứng tỏ chim dodo khá thông minh, bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh, chim bồ câu có khả năng trí tuệ rất tốt so với nhiều động vật khác. Loài chim tượng trưng cho hòa bình này có thể được đào tạo để làm một số việc đặc biệt như đưa thư, dẫn đường...
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chim dodo khá thông minh. Chúng bị coi là ngu ngốc khi để cho con người bắt giết dễ dàng, bởi trên đảo Mauritius, chúng không hề phải đối mặt với mối đe dọa nào nên không ý thức được sự nguy hiểm khi gặp con người" - bà Eugenia Gold cho biết.
Phân tích sâu hơn về loài chim này, các nhà khoa học còn phát hiện não dodo có một phần rất phát triển: Khứu giác phát triển vượt trội so với các loài động vật khác. Do loài dodo trú ngụ dưới đất nên chúng phát triển khứu giác để săn tìm thức ăn gồm trái cây và những động vật biển như sò...
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện cấu trúc tai đặc biệt với độ cong bất thường của chim dodo. Tuy nhiên, họ vẫn chưa tìm ra lời giải thích cho hiện tượng này.
No comments:
Post a Comment