Thursday, March 31, 2016

Phát hiện hóa thạch tắc kè nằm trong hổ phách có niên đại gần 100 triệu năm

Một con tắc kè thời cổ đại được bảo tồn gần như nguyên vẹn trong khối hổ phách có niên đại gần 100 triệu năm vừa được các nhà khoa học phát hiện ra tại Myanmar. Phát hiện lần này giúp hiểu rõ hơn về lịch sử tiến hóa của loài bò sát hiện đại ngày nay. Quan trọng hơn, đây là con tắc kè chứ không phải là con muỗi hút máu khủng long nằm trong khối hổ phách nên chúng ta cũng đừng quá hy vọng về một Công viên kỷ Jura mở cửa trong tương lai.

Cụ thể, các nhà khoa học xác định rằng câu chuyện của hóa thạch này bắt đầu từ khoảng 99 triệu năm trước, khi mà một con tắc kè đang leo trên một thân cây thời cổ đại tại khu vực bây giờ là Myanmar. Trong lúc leo lên cây, con tắc kè nhỏ này đã vô tình bị dính vào trong nhựa cây và mắc kẹt luôn trong đó.

Hóa thạch tắc kè 100 triệu năm tuổi.

Theo thời gian, viên nhựa này trở nên cứng hơn và hóa thạch thành hổ phách - một viên đá trong suốt, màu vàng mà các bạn thấy trong bộ phim Jurassic Park đã giúp các nhà khoa học hồi sinh lại khủng long. Và thật ra, các nhà nghiên cứu tại Đại học Florida đã đào được mẫu hổ phách chứa tắc kè này cách đây vài thập kỷ nhưng cho tới giờ họ mới có cơ hội phân tích nó.

Mặc dù hiện tại người ta vẫn chưa xác định được tên chính xác của loài tắc kè này nhưng họ cho rằng đây có thể là loài tắc kè cổ nhất từng được tìm thấy trong lịch sử. Trên thực tế trước đây người ta đã tìm thấy một số mẫu hóa thạch của loài tắc kè nhưng niên đại muộn hơn, vào khoảng 78 triệu năm trước và so với phát hiện lần này thì khoảng cách là rất xa.

Không chỉ phá vỡ kỷ lục về niên đại mà đây còn là 1 trong 13 mẫu hóa thạch tắc kè mà các nhà khoa học được phân tích mới đây, góp phần cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích để hiểu hơn về sự tiến hóa của tắc kè nói riêng và bò sát nói chung.

Một thành viên của nhóm nghiên cứu nhận định rằng: "Các hóa thạch này cho chúng ta biết nhiều điểm đặc biệt, giúp hiểu rõ hơn về sự đa dạng của loài thằn lằn trong những khu rừng nhiệt đới cổ xưa. Các hóa thạch của thằn lằn được khai quật là khá ít bởi xương của nó nhỏ, dễ vỡ và thường không được bảo quản, đặc biệt là tại điều kiện nhiệt đới. Do đó phát hiện tắc kè nằm trong hổ phách lần này là một mẫu vật vô cùng hiếm hoi và duy nhất giúp quá trình nghiên cứu thuận lợi hơn".

No comments:

Post a Comment