Thursday, March 31, 2016

Mặt dây chuyền vàng hình Chúa Jesus cổ nhất Đan Mạch

Mặt dây chuyền nhỏ bằng vàng mô phỏng người đàn ông với cánh tay sải rộng - hình ảnh Chúa trên cây thánh giá - là biểu tượng chữ thập lâu đời nhất ở Đan Mạch.

Mặt dây chuyền hình thánh giá cổ nhất ở Đan Mạch. (Ảnh: Bảo tàng Viking)

Có niên đại từ nửa đầu những năm 900 (thế kỷ 10), mặt dây chuyền mang đến cho các nhà nghiên cứu hiểu biết mới về Cơ Đốc giáo ở Đan Mạch, theo chuyên gia ở Bảo tàng Viking tại Ladby.

"Nó lâu đời hơn viên đá khắc cổ ngữ Rune của vua Harald Bluetooth ở Jelling", đại diện viện bảo tàng cho biết. Viên đá ở thị trấn Jelling mang hình người trên cây thánh giá, nhằm tưởng nhớ việc vua Harald Bluetooth theo đạo Cơ Đốc giáo. Cho đến nay, viên đá đồ sộ ra đời vào năm 965 vẫn được cho là tác phẩm minh họa chúa Jesus trên cây thánh giá đầu tiên ở Đan Mạch.

Khắc họa biểu tượng tôn giáo nổi tiếng nhất trong Cơ Đốc giáo, mặt dây chuyền chữ thập mới tìm thấy chỉ ra người Đan Mạch theo đạo Cơ Đốc giáo sớm hơn so với ước tính trước đây. Đồ vật quý giá này được Dennis Fabricius Holm tìm thấy bằng máy dò kim loại trên cánh đồng quanh một nhà thờ ở làng Aunslev, thuộc hòn đảo Funen của Đan Mạch. "Quả là một điều may mắn khi món đồ trang sức nhỏ này có thể tồn tại suốt 1.100 năm qua trong lòng đất", đại diện bảo tàng chia sẻ.

Mặt dây chuyền cao 4cm và nặng 13g. Trong khi mặt sau rất trơn nhẵn, mặt trước được làm từ sợi vàng ráp nối tinh tế và những viên vàng chạm lộng cực nhỏ. Ở đầu mặt dây chuyền có một lỗ nhỏ để xỏ xuyên qua. Cây thánh giá trông rất giống mẫu thánh giá bằng bạc mạ vàng tìm thấy năm 1879 ở Birka, gần Stockhom, Thụy Điển, trong mộ một người phụ nữ thời Viking, theo đại diện viện bảo tàng.

"Nó có thể được một phụ nữ người Viking đeo, nhưng chúng tôi chưa thể xác định chủ cây thánh giá là người Viking theo đạo Cơ Đốc giáo hay là người ngoại đạo", đại diện viện bảo tàng nói.

No comments:

Post a Comment