Tên lửa S-125 Pechora, xe bệ phóng S-300PMU1, máy bay Su-30, tàu ngầm Kilo, pháo tự hành... là những thiết bị quân sự quan trọng, góp phần làm nên sức mạnh của Quân đội Việt Nam.
Máy bay Su-30MK2 của Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) phát triển trên cơ sở loại máy bay tiêm kích Su-27. Với tầm bay chiến đấu mở rộng nhờ khả năng tiếp dầu trên không và khả năng mang và sử dụng các tổ hợp vũ khí tiến công mặt đất có điều khiển chính xác từ tầm xa.
Máy bay tiêm kích Su-30 được xếp vào nhóm vũ khí tiến công xung kích đường không chống các mục tiêu chiến thuật chiến dịch và chiến dịch nằm phía sau chiến tuyến của đối phương.
Su-30 còn có khả năng sử dụng các tổ hợp bom và rocket không điều khiển khác nhằm phục vụ công kích mục tiêu mặt đất cố định, chế áp trận địa, hỗ trợ hỏa lực mặt đất và ngăn chặn tiếp viện.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung S-125 Pechora (NATO định danh là SA-3) do Liên Xô thiết kế và đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1960.
S-125 Pechora được đánh giá là rất hiệu quả trong chống mục tiêu tầm ngắn, bay thấp, đối phó tốt mục tiêu có tính cơ động cao. Đặc biệt, nó có khả năng kháng nhiễu điện tử mạnh hơn so với hệ thống S-75 Dvina tiền nhiệm.
S-125 Pechora có thể bắn hạ mục tiêu ở cự ly tối đa 35 km, độ cao 18 km. Hệ thống S-125 đầu tiên chuyển giao cho Việt Nam từ những tháng cuối năm 1972 trong bối cảnh Không quân Mỹ dùng B-52 đánh phá dữ dội các thành phố lớn ở miền Bắc.
Lực lượng Phòng không Việt Nam đang sử dụng khoảng trên 20 tổ hợp tên lửa phòng không Pechora gồm các phiên bản S-125, S-125M, S-125-2TM.
S-125 hiện nay vẫn là một trong những hệ thống phòng không chủ lực của Việt Nam bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.
Xe bệ phóng của hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 triển khai sẵn sàng chiến đấu.
Đài radar chiếu xạ và điều khiển của hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1.
Mi-8 là một trong những loại trực thăng phổ biến nhất trên thế giới, được các nhà khai thác máy bay trực thăng trên toàn thế giới ưa chuộng nhờ vào khả năng bay cao, mức độ tin cậy và khả năng thích ứng, hoạt động trong nhiều điều kiện khí hậu khác nhau (từ -50 đến +50 độ C), dễ dàng hoạt động và bảo trì.
Mi-8 được đánh giá là dòng trực thăng thành công nhất trong lịch sử ngành công nghiệp máy bay trực thăng của Nga.
Pháo tự hành dùng để hỗ trợ hỏa lực tầm xa trên chiến trường. Loại khí tài này có đặc điểm tính cơ động cao nhờ vào việc sử dụng bánh xích (đôi khi có thể là bánh lốp thông thường), không cần các phương tiện xe kéo đi như các loại pháo khác.
Xe tăng tại Lữ đoàn 203 trong buổi huấn luyện. Đây là đơn vị đã thực hiện 4 cuộc hành quân “thần tốc” vào Nam, ra Bắc dài 7.000 km, tham gia chiến đấu trong các chiến dịch lớn như Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Pháo cao xạ 37 mm của Sư đoàn Phòng không 365. Đây là đơn vị chuyên đánh máy bay địch tốc độ nhỏ, độ cao thấp, lợi dụng địa hình địa vật, đột nhập vào vùng trời đơn vị được phân công quản lý.
Việt Nam đang sở hữu 2 tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ, thuộc dự án 11661 Gepard 3.9 được Nga đóng. Với thiết kế hiện đại, tàu có khả năng tàng hình, theo dõi, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm...
Tàu có chiều dài 102 m, rộng 13,7 m, lượng giãn nước toàn phần khoảng 2.100 tấn, tốc độ 21 hải lý/h, tầm hoạt động khoảng 5.000 hải lý, thời gian chạy liên tục trên biển 20 ngày đêm, có thể chịu được sóng gió cấp 10 - 12.
Trên tàu có hệ thống vũ khí phòng vệ và tấn công như tên lửa chống tàu Uran-E (Kh-35) có khả năng tìm diệt các tàu mặt nước của đối phương từ xa ở cự ly đến 130 km.
Pháo hạm đa năng AK-176 tốc độ bắn 60 - 120 phát/phút, có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển, ven bờ và trên không với tầm bắn 15 km, độ cao 11,5 km.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không đa năng Palma tốc độ bắn 10.000 phát/phút với tầm bắn 8.000 m; Đuôi tàu có bãi đáp cho trực thăng chống ngầm Ka-28.
Kilo 636 là một trong những loại tàu ngầm được xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Tại Việt Nam, Hà Nội là tàu ngầm Kilo đầu tiên trong hợp đồng mua 6 tàu ngầm của Nga. Loại tàu này nổi tiếng với độ ồn rất nhỏ, tăng tính bí mật trong khi hoạt động.
Tàu được thiết kế để chống tàu ngầm và chống tàu mặt nước, đồng thời là một phương tiện hữu hiệu để bảo vệ các căn cứ hải quân, khu vực bờ biển và đảm bảo thông tin liên lạc.
Ngoài ra, tàu còn thực hiện nhiệm vụ trinh sát và các hoạt động tuần tra ngăn chặn thông tin liên lạc của đối phương, cho phép tích hợp vũ khí tối tân, bao gồm cả tên lửa chống tàu Klub, giúp mở rộng đáng kể phạm vi tấn công mục tiêu.
No comments:
Post a Comment