Một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu hóa thạch của loài chó cổ đại ở châu Mỹ. Họ phát hiện chỉ trong vài triệu năm, biến đổi khí hậu kéo theo môi trường sống thay đổi khiến chó bản xứ vốn là thú ăn thịt rình mồi trở thành những con sói biết tấn công và truy tìm dấu vết như ngày nay.
Những con chó thời cổ đại khá nhỏ và chuyên rình mồi, trong khi loài sói ngày nay biết tấn công và truy tìm con mồi. (Ảnh: Mauricio Anton/ Đại học Brown.)
"Phát hiện này củng cố giả thuyết cho rằng, thú săn mồi có thể rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu và môi trường sống, tương tự động vật ăn cỏ," Christine Janis, tác giả nghiên cứu, phát biểu trong công bố đăng trên trang web của Đại học Brown, Mỹ.
Thời tiết ấm và ẩm ướt hơn cách đây 40 triệu năm đã góp phần tạo ra những cánh rừng rậm rộng lớn ở khu vực nay là đồng bằng trung tâm Mỹ. Môi trường này đã tạo điều kiện cho loài thú săn mồi nhỏ như chó dễ ẩn nấp và vồ mồi chạy ngang qua.
Tuy nhiên, khi khu vực này trở nên ngày càng lạnh và khô, những cánh rừng thưa dần và biến thành đồng bằng ở nhiều nơi, kéo theo sự tiến hóa và sinh sôi của các động vật ăn cỏ chân dài như bò rừng bison hay hươu nai. Những con thú săn mồi, bao gồm loài chó, cũng buộc phải tiến hóa theo.
Chi trước của những con chó hoang dã quen với chạy cự ly dài và ít linh hoạt hơn. Đồng thời, hàm răng của chúng cũng chắc khỏe hơn để cắn xé những miếng da khô hoặc đá dăm lẫn trong thịt.
No comments:
Post a Comment