Theo các chuyên gia thuộc ĐH Bologna, đây là những bằng chứng lâu đời nhất về cách mà người xưa điều trị nha khoa.
Phương pháp chữa răng "đau chảy nước mắt" của người cổ đại
Từ việc tìm hiểu về chiếc răng sâu có niên đại 14.000 năm tuổi, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Bologna đã tìm ra được những bằng chứng lâu đời nhất về cách mà người xưa điều trị nha khoa.
Theo đó, thay vì dùng dụng cụ vô trùng, gây mê, tổ tiên của chúng ta đã loại bỏ những chiếc răng đau bằng công cụ đá được mài sắc.
Kết luận này được đưa ra sau khi các chuyên gia phân tích hàm răng của một bộ hài cốt nam giới 25 tuổi. Hàm răng này được phát hiện đầu tiên tại Belluno, Ý vào năm 1988 trong điều kiện bảo quản tốt.
Nghiên cứu sâu hơn bằng phương pháp phân tích răng với kính hiển vi điện tử, giới chuyên gia phát hiện những bằng chứng cho thấy phần răng sâu được xử lý bởi công cụ đá lửa sắc, nhọn. Bởi vậy phần răng này đều có sự trầy xước, sứt mẻ khá lớn. Nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, những nạn nhân xưa hẳn đã phải chịu sự ghê răng và đau đớn lắm khi được bác sĩ nha khoa thời xưa khám răng.
Nhà nghiên cứu Stefano Benazzi - người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Các khoang răng đều có một sự tổn thương răng khá nặng nề. Tuy vậy, phát hiện này cho thấy trong thời đồ đá xưa, con người đã bắt đầu biết nhận thức về tác hại của bệnh nhiễm trùng răng và sáng tạo ra công cụ chữa răng bằng đá nhọn để loại bỏ phần bị nhiễm trùng và làm sạch khoang răng".
Theo các chuyên gia, đây cũng là bằng chứng khảo cổ lâu đời nhất về nha khoa cho tới thời điểm hiện tại. Những kết quả này sẽ cung cấp cho giới chuyên gia hiểu hơn về kỹ thuật khám chữa răng của người xưa.
No comments:
Post a Comment