Thursday, July 16, 2015

Damen đóng tàu hộ vệ tên lửa Sigma tại Việt Nam?

Hôm 5/6/2015, trang thông tin hàng hải Ihsmaritime360 thuộc Tập đoàn truyền thông IHS (Mỹ) cho biết Tập đoàn đóng tàu Damen của Hà Lan đang đàm phán để mua lại 49% cổ phần của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long.


Trước đó, Damen cũng tìm cách mua 70% cổ phần của Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm. Tuy nhiên, hiện nay quyết định cuối cùng còn phụ thuộc vào ý kiến của Thủ tướng bởi theo quy định, tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam không quá 49%.

Được biết, cả SBIC đã đề xuất và Bộ GT-VT cơ bản nhất trí xin ý kiến Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép thực hiện như một trường hợp ngoại lệ, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Như đã biết, Damen Sông Cấm là một công ty liên doanh giữa Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) và Tập đoàn Đóng tàu Damen (Hà Lan) với số vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới 65 triệu USD. Tháng 3 năm 2014, Nhà máy đóng tàu hiện đại này đã đi vào hoạt động.

Trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã dự Lễ hạ thủy tàu kéo cứu hộ số hiệu ASD 3212 YN 51235 do Damen Sông Cấm thi công, xuất khẩu sang Venezuela. Phát biểu tại buổi lễ, ông nói:

“Cá nhân tôi nghĩ rằng mối quan hệ giữa Việt Nam - Hà Lan trong ngành hàng hải rất sâu sắc. Chúng ta hợp tác để cùng phát triển. Liên doanh giữa Công ty Damen và Sông Cấm để hai bên học hỏi và tận dụng nhân tài của nhau”.

Trong "cơn bão" Vinashin, Sông Cấm là đơn vị duy nhất thuộc SBIC làm ăn có lãi, nay được Damen đầu tư lại càng trở nên mạnh mẽ, cho ra đời nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Tham vọng dài hạn của Damen là xây dựng liên doanh Damen - Sông Cấm thành liên doanh lớn nhất trong số 35 liên doanh của Damen ở nước ngoài. Đây là định hướng lớn mang tính chiến lược của Tập đoàn đóng tàu hàng đầu thế giới tại Việt Nam.

Nếu thành công trong cả 2 thương vụ này, chắc chắn Damen sẽ biến Việt Nam thành một căn cứ địa vững chắc để vươn mạnh ra thế giới. Trước mắt, các hợp đồng đóng tàu ở nước khác sẽ được Damen chuyển dần về thực hiện tại Việt Nam.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm Công ty Liên doanh đóng tàu Damen Sông Cấm (Hải Phòng) năm 2014

Sẽ đóng tàu hộ vệ tên lửa Sigma tại Việt Nam?

Ihsmaritime360 dẫn nguồn tin từ IHS Jane's Fighting Ships (Vương quốc Anh), Công ty đóng tàu Hạ Long với sự hợp tác chặt chẽ với Damen, đã và đang thực hiện đóng 2 trong tổng số 4 tàu DN-2000 cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo thiết kế, Sông Cấm là nhà máy lớn và hiện đại bậc nhất của Damen liên doanh tại nước ngoài, chuyên đóng mới và hoàn thiện các loại tàu kéo, tàu công trình, tàu cao tốc, tàu dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu.

Về năng lực, theo Ihsmaritime360, các công ty con của Damen ở Việt Nam đủ sức đóng các tàu hộ vệ tên lửa tàng hình lớp Sigma cho Hải quân Việt Nam và thậm chí xuất khẩu ra thế giới.

Trước đó, Hải quân Việt Nam đã đặt mua 2 tàu hộ vệ tên lửa hiện đại của Damen, chúng sẽ được đóng nguyên chiếc tại Hà Lan. Tuy nhiên, dường như các tàu Sigma tiếp theo sẽ được đóng tại Việt Nam.

Mô hình tàu tên lửa Sigma 9814 của Việt Nam tại triển lãm Vietship 2014

Tàu Sigma được đóng theo công nghệ module, cho phép dễ dàng nâng cấp, tùy biến cấu hình vũ khí, khí tài theo yêu cầu của từng giai đoạn hoạt động. Tàu có hangar chứa máy bay, giúp bảo quản trực thăng trước những tác động của thời tiết và ăn mòn của muối biển.

Về vũ khí, tàu sẽ được trang bị tên lửa diệt hạm MM40 Exocet Block 3 tầm bắn 180 km, pháo hạm bắn siêu nhanh 76 mm OTO Melara Super Rapid, tên lửa phòng không phóng thẳng đứng VL-Mica-M, ngư lôi diệt hạm hiện đại EuroTorp 3A 244S Mode II/MU90.

Tàu cũng được trang bị hệ thống chỉ huy, radar và các loại cảm biến tiên tiến nhất và có khả năng đối kháng điện tử rất tốt sánh ngang với các loại tàu chiến hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay.

Có thể thấy Damen đã có sự chuẩn bị rất kỹ để sẵn sàng cho các bước phát triển của Hải quân Việt Nam. Hy vọng trong tương lai không xa, những con tàu hiện đại như Sigma được đóng trong nước sẽ góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

No comments:

Post a Comment