Sơ lược về những loại vũ khí trang bị hàng đầu của quân đội Nga hiện nay: Tăng chủ lực T-90, máy bay ném bom chiến lược Tu-160, tuần dương hạm nguyên tử Piotr Đại đế, xe phá mìn UR-77, trực thăng vận tải-chiến đấu Mi-24.
1. Xe tăng chủ lực T-90
Xe tăng chủ lực Т-90 được nghiên cứu chế tạo vào cuối thập niên 1980 và là biến thể hiện đại hóa sâu của Т-72B. Năm 1992, xe được nhận vào trang bị của quân đội Nga với tên gọi Т-90.
Xe có khả năng chạy với tốc độ đến 70 km/h trên đường nhựa và đến 50 km/h trên địa hình chia cắt. T-90 được trang bị các hệ thống dẫn tự động, nhìn đêm, máy đo xa laser.
Vũ khí chính của T-90 là pháo nòng trơn 125 mm có khả năng bắn đạn pháo thông thường và tên lửa chống tăng có điều khiển. Cơ số đạn là 42 viên, 22 viên trong số đó nằm trong máy nạp đạn tự động.
Vũ khí bổ trợ là các súng máy 12,7 và 7,62 mm.
Т-90 được trang bị vỏ giáp tương đương giáp thép dày đến 850 mm. Ngoài ra, xe tăng còn được lắp hệ thống phòng vệ quang-điện tử chủ động Shtora-1, giáp phản ứng nổ Kontakt-5 hoặc Relikt.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga không mua sắm Т-90 mà ưu tiên hiện đại hóa các xe tăng lạc hậu T-72 lên chuẩn Т-90.
Từ năm 2015, dự kiến quân đội Nga sẽ nhận được loại tăng chủ lực mới dựa trên bệ mang thiết giáp hạng nặng tiêu chuẩn Armata.
2. Máy bay ném bom chiến lược Tu-160
Tu-160 (mil.ru)
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 được phát triển vào nửa đầu thập niên 1980 và được nhận vào trang bị vào năm 1987. Trong biên chế Không quân Nga, máy bay nổi tiếng hơn với cái tên “Thiên nga trắng”.
Máy bay ném bom với cánh hình tên thay đổi có khả năng bay với tốc độ đến 2.200 km/h - khả năng bay siêu âm được áp dụng cho Tu-160 nhằm vượt qua hệ thống phòng không đối phương.
Tu-160 có thể bay ở tốc độ hành trình 917 km/h, bán kính chiến đấu là gần 6.000 km, tầm bay cực đại đến 13.900 km.
Máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa 275 tấn, có thể mang đến 40 tấn vũ khí, gồm các loại tên lửa, bom có và không điều khiển hạt nhân và thông thường.
Liên Xô/Nga đã sản xuất tổng cộng 27 chiếc Tu-160, 19 trong số đó nằm lại Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ. 8 chiếc trong số này đã quay lại Nga, một phần với tư cách thanh toán tiền nợ khí đốt của Ukraine, còn 3 chiếc khác bị Ukraine phá bỏ.
Trong trang bị của Không quân Nga hiện có 16 chiếc Tu-160: 13 chiếc chiến đấu và 3 chiếc huấn luyện. Đa số Tu-160 có tên riêng.
Trong mấy năm tới, tất cả các máy bay Tu-160 sẽ được hiện đại hóa lên chuẩn Tu-160М với nhiều tính năng kỹ thuật được cải tiến.
Trong tương lai, Nga dự định thay thế các máy bay ném bom chiến lược này bằng loại máy bay mới là hệ thống máy bay tầm xa tương lai PAK DA. Máy bay này đang được Viện OKB Tupolev phát triển. Mẫu chế thử đầu tiên của PAK DA dự kiến ra đời vào năm 2020.
3. Tuần dương hạm nguyên tử hạng nặng Piotr Đại đế
Tuần dương hạm nguyên tử Piotr Đại đế (rosenergoatom.ru)
Tuần dương hạm nguyên tử hạng nặng Piotr Đại đế được đóng theo thiết kế Projekt 1144 Orlan vào năm 1989, hiện là tàu duy nhất thuộc lớp này còn trong biên chế Hải quân Nga, được đưa vào sử dụng năm 1998.
Chức năng chính của tàu tuần dương này là tiêu diệt các cụm tàu sân bay đối phương. Trong thời gian tồn tại, Piotr Đại đế đã hai lần được đổi tên: khi khởi đóng, tàu được gọi là Kuibyshev, sau đó được đổi thành Yuri Andropov. Tàu có tên hiện tại vào tháng 4/1992.
Piotr Đại đế có lượng giãn nước 25.900 tấn, chiều dài 251,1 m, chiều rộng 28,5 m và mớn nước 10,3 m. Tàu được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân KN-3, 2 nồi hơi bổ trợ và 2 turbine công suất 70.000 mã lực mỗi turbine.
Piotr Đại đế có khả năng chạy với tốc độ đến 31 hải lý/h, thời gian hoạt động độc lập là gần 60 ngày đêm.
Thủy thủ đoàn gồm 635 người, trong đó có 105 sĩ quan và 400 thủy thủ.
Piotr Đại đế được trang bị hệ thống pháo АK-130, hệ thống pháo phòng không Kortik, các tên lửa chống hạm P-700 Granit, các hệ thống chống ngầm RBU-1000 và RBU-12000, hệ thống tên lửa phòng không S-300FM và 10 ống phóng lôi 533 mm.
Lực lượng máy bay trên tàu gồm 3 trực thăng chống ngầm Ка-27PL.
Tháng 7/2010, được biết Bộ Quốc phòng Nga dự định đưa các tàu tuần dương tên lửa Projekt 1144 trở lại biên chế Hải quân Nga. Đó là các tàu Đô đốc Nakhimov, Đô đốc Lazarev và Đô đốc Ushakov hiện đang nằm trong lực lượng dự bị.
Nga dự định hiện đại hóa các tàu này theo kiểu như tàu Piotr Đại đế, cụ thể các tàu này sẽ được trang bị thiết bị máy tính mới thay cho thiết bị máy tính kiểu tương tự và vũ khí mới.
4. Xe phá mìn UR-77
Rồng lửa UR-77 (2ch.so)
Xe phá mìn UR-77 Meteorit, còn được gọi là Zmey Gorynyc (rồng phun lửa nhiều đầu trong thần thoại Slavơ, được chế tạo dựa trên khung gầm pháo tự hành 2S1 Gvozdika vào nửa đầu thập niên 1970.
Xe được sản xuất loạt từ năm 1978 và thay thế xe UR-67 trong quân đội Nga.
Với chiều dài 7,9 m, chiều rộng 2,9 m và chiều cao 2,5 m, xe có trọng lượng 15,5 tấn và có khả năng đạt tốc độ 60 km/h.
Dự trữ hành trình đến 500 km trên đường nhựa và đến 250 km trên địa hình chia cắt. Kíp chiến đấu của xe gồm 2 người.
Vũ khí chính của UR-77 là 2 lượng nổ phá mìn UZ-67 hoặc UZP-77. Mỗi lượng nổ có khả năng tạo cửa mở rộng đến 6 m và dài đến 90 m qua bãi mìn. Việc phá mìn thực hiện bằng cách kích nổ lượng nổ tạo sóng nổ kích hoạt các quả mìn trên bãi mìn.
Để phóng 2 lượng nổ, xe cần gần 5 phút còn để nạp lại đầy đủ lượng nổ sau chu trình phá mìn, xe cần đến 40 phút.
Tuy nhiên, sau khi phóng các lượng nổ, vẫn không bảo đảm phá sạch hết mìn bởi lẽ UZ-67 và UZP-77 không thể kích nổ các loại mìn với ngòi nổ kiểu đè nổ, vướng nổ 2 lần, cũng như các thiết bị nổ lắp ngòi nổ hồng ngoại hay nam châm. UR-77 được xem là một trong những xe phá mìn tốt nhất thế giới.
5. Trực thăng chiến đấu Mi-24
Cá sấu Mi-24 (mil.ru)
Trực thăng vận tải-chiến đấu Mi-24, được phát triển trong thập niên 1960, nhận vào trang bị vào năm 1971. Nó có tên không chính thức là “Cá sấu”.
Các trực thăng Mi-24 thuộc các serie đầu có tên “Stakan” (Cái cốc) do buồng lái được bọc kính phẳng.
Mi-24 có trọng lượng cất cánh tối đa 11 tấn, trọng tải 2,4 tấn, tổ lái 2-3 người, có thể chở đến 8 lính đổ bộ.
Trực thăng có khả năng bay với tốc độ 270 km/h và tầm bay đến 450 km.
Vũ khí lắp liền của Mi-24 ở các biến thể có thể khác nhau. Ví dụ, Mi-24V được trang bị ụ súng máy di động USPU-24 với 1 súng máy 12,7 mm, còn Mi-24VP được trang bị 1 pháo GSh-23L.
Trực thăng vận tải-chiến đấu có thể trang bị 4-6 điểm treo để treo các container gắn pháo, tên lửa có điều khiển và rocket, tên lửa không đối không, cũng như bom và các bom chùm cỡ 50-500 kg.
Dựa trên Mi-24, người ta đã chế tạo trực thăng vận tải-chiến đấu Mi-35 để trang bị cho Không quân Nga và xuất khẩu.
6. Xe bọc thép chở quân BTR-80
BTR-80 (mil.ru)
Xe bọc thép chở quân bánh lốp BTR-80, được chế tạo vào đầu thập kỷ 1980 để thay thế các xe lạc hậu và không hiệu quả BTR-70, được nhận vào trang bị vào năm 1986. Ngoài Nga, xe này còn có trong trang bị của 25 nước khác, liên tục được hiện đại hóa và vẫn đang được sản xuất.
BTR-80 đôi khi cũng được xuất khẩu. Ví dụ, năm 2010, Bộ Quốc phòng Nga đã tặng cho Palestine 50 xe bọc thép chở quân BTR-80 lấy từ kho.
Hiện nay, BTR-80 là xe bọc thép chở quân chủ lực của quân đội Nga.
BTR-80 có chiều dài 7,7 m, chiều rộng 2,9 m, độ cao 2,5 m và trọng lượng 13,6 tấn. Xe 8 bánh BTR-80 có khả năng chở đến 7 lính, cùng 3 thành viên kíp xe. BTR-80 được trang bị vỏ giáp thép cán, có khả năng chạy với tốc độ đến 80 km/h trên đường nhựa, dự trữ hành trình 600 km.
Trong đa số các trường hợp, BTR-80 được trang bị các súng máy KPVT và PKT cỡ 14,5 và 7,62 mm. Song cũng có các biến thể trang bị vũ khí uy lực hơn, ví dụ như pháo tự động 30 mm 2А72 (BTR-80А).
Trên cơ sở BTR-80, đã chế tạo một số biến thể xe đặc chủng, trong đó có đài chỉ huy-quan sát, trạm gây nhiễu, xe cứu kéo và phục hồi bọc thép, xe trinh sát và xe trinh độc-phóng xạ bọc thép.
BTR-80 từng tham chiến ở Afghanistan, 2 chiến dịch ở Chechnya và cuộc chiến ở Nam Ossetya.
Quân đội Nga hiện đang được cung cấp biến thể hiện đại hóa của BTR-80 là BTR-82А.
Trong tương lai, Nga dự kiến thay thế các xe bọc thép chở quân này bằng các xe bọc thép chở quân được chế tạo trên cơ sở bệ mang thiết giáp vạn năng đang được phát triển.
7. Bão lửa TOS-1 Buratino
TOS-1 (Aleksandr Kotomin)
Hệ thống phun lửa hạng nặng (TOS) Buratino được phát triển trong thập kỷ 1970 trên cơ sở khung gầm xe tăng Т-72.
Ở cấu hình ban đầu, hệ thống gồm 1 xe bệ phóng chạy xích với cụm 30 ống phóng và 1 xe tiếp đạn (TZM) sử dụng khung gầm xe tải KrAZ-255B.
Hiện nay, Bộ đội Phòng chống bức xạ-hóa sinh của Nga sử dụng các xe mang 24 ống phóng, còn có tên gọi Kaunas.
Buratino đã hoàn thành thử nghiệm nhà nước vào năm 1980 và được khuyến nghị đưa vào trang bị quân đội Liên Xô.
Năm 1988-1989, TOS-1 đã tham chiến ở Afghanistan, và chiến dịch Chechnya lần thứ hai vào tháng 3/2000.
Xe chiến đấu Buratino có trọng lượng 46 tấn, kíp xe 3 người, tầm bắn 400-6.000 m (tùy thuộc loại rocket). Diện tích sát thương của Buratino là đến 1.000 m2 khi sử dụng đạn gây cháy và đến 2.000 m2 khi sử dụng rocket nhiệt áp. Để tiêu diệt chính xác mục tiêu, xe được trang bị máy ngắm quang học và máy đo xa laser.
Năm 2001, dựa trên Buratino, Nga đã phát triển hệ thống mới TOS-1А Solntsepek. Xe chiến đấu mang 24 ống phóng và được trang bị các loại đạn uy lực mạnh hơn.
8. Hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander
Iskander phóng đạn (mil.ru)
Hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander, được chế tạo trong thập niên 1990 và nhận vào trang bị của quân đội Nga vào năm 2007.
Iskander do Viện thiết kế chế tạo máy Kolomna (KBM) phát triển, được giới thiệu công khai vào năm 1999 tại triển lãm MAKS ở Zhukovsky, ngoại ô Moskva. Mục tiêu chính của Iskander trong chiến đấu là các hỏa điểm, phương tiện phòng không, phòng thủ tên lửa, sân bay, sở chỉ huy, đầu mối liên lạc và các mục tiêu hạ tầng the chốt của đối phương.
Hệ thống Iskander bao gồm xe bệ phóng, xe tiếp đạn, xe chỉ huy-tham mưu, xe bảo dưỡng kỹ thuật, trạm chuẩn bị thông tin và xe bảo đảm sinh hoạt.
Hiện nay, Iskander có 3 biến thể: Iskander-E dùng để xuất khẩu với xe bệ phóng mang 1 tên lửa, Iskander-К trang bị tên lửa hành trình và Iskander-М trang bị tên lửa đường đạn tầm ngắn mới. Tùy chủng loại tên lửa sử dụng, Iskander có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm 280-500 km.
Thời gian chuẩn bị để phóng tên lửa của hệ thống từ 4-16 phút, nhịp phóng là 2 phút (với xe bệ phóng 9P78 trang bị 2 tên lửa).
Tên lửa có thể mang nhiều loại phần chiến đấu khác nhau như: đầu đạn chùm chứa các đạn con tạo mảnh, xuyên lõm, tự dẫn hay nổ khối, phá-gây cháy, tạo mảnh-gây cháy hay xuyên. Ngoài ra, các tên lửa có thể mang cả đầu đạn hạt nhân.
Đến năm 2020, Lục quân Nga dự định nhận vào trang bị 120 hệ thống Iskander. Nga đang sử dụng Iskander như một trong những đối trọng trong cuộc đối thoại chính trị với Mỹ và NATO về vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
Các đối trọng khác là hiện đại hóa tiềm lực hạt nhân của Nga và xây dựng các trạm radar loại Voronezh mới.
9. Hệ thống rocket phóng loạt Smerch
Smerch (mil.ru)
Hệ thống rocket phóng loạt Smerch được phát triển vào nửa đầu thập niên 1980 và nhận vào trang bị vào năm 1987.
Smerch do Viện TULGOSNIITOCHMASh (nay là GNPP Splav) phát triển.
Đến năm 1990, Smerch với tầm bắn tối đa 90 km được coi là hệ thống rocket phóng loạt có tầm bắn xa nhất thế giới. Hiện nay, đứng đầu về chỉ số này là hệ thống WS-1 của Trung Quốc với tầm bắn đến 180 km.
Tùy thuộc vào biến thể, hệ thống Smerch có thể được trang bị 4, 6 hay 12 ống phóng rocket 300 mm.
Kíp xe chiến đấu Smerch gồm 3 người. Smerch cần hơn 40 giây để thực hiện xong loạt bắn 12 quả đạn rocket, thời gian để khẩn cấp thoát ly trận địa bắn là không quá 3 phút.
Đạn rocket của Smerch có thể được trang bị phần chiến đấu dạng chùm, tự dẫn hay nổ lõm-tạo mảnh, phá-mảnh và nhiệt áp. Ngoài ra, Smerch có thể sử dụng để rải mìn chống tăng hay phóng máy bay không người lái trinh sát.
Một trong những nhược điểm chính của Smerch là giá cao, một trung đoàn Smerch có giá gần 200-220 triệu rúp.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga trong khuôn khổ chương trình vũ khí nhà nước giai đoạn 2011-2020 đang mua sắm các hệ thống rocket phóng loạt mới Tornado-S cỡ 300 mm.
Trong tương lai, Tornado-S sẽ thay thế các hệ thống Smerch đã lạc hậu trong quân đội Nga.
10. Hệ thống tên lửa phòng không Buk
Buk-M1 (mil.ru)
Hệ thống tên lửa phòng không Buk được phát triển vào cuối thập niên 1970, nhận vào trang bị năm 1979.
Buk do Viện nghiên cứu Chế tạo dụng cụ (NIIP) mang tên Tikhomirov nghiên cứu chế tạo và đã thay thế các hệ thống tên lửa phòng không lạc hậu 2К12 Kub.
Hệ thống Buk dùng để bảo vệ các mục tiêu quan trọng chống các mục tiêu khí động cơ động ở độ cao từ 30-18.000 m và được trang bị hệ thống đối kháng chế áp điện tử.
Buk có khả năng chặn đánh các mục tiêu bay ở tốc độ đến 1.200 m/s ở cự ly đến 40 km.
Xác xuất tiêu diệt mục tiêu cơ động là 0,5-0,7, còn mục tiêu không cơ động là 0,7-0,9.
Một hệ thống Buk bao gồm tới 21 xe, trong đó có 6 bệ phóng x 4 tên lửa, 1 đài chỉ huy, 1 xe bệ phóng-tiếp đạn và 1 đài phát hiện mục tiêu.
Để bảo vệ mục tiêu hiệu quả, hệ thống có thể được sử dụng ở phương án rút gọn: đài chỉ huy, đài phát hiện mục tiêu, 2 xe bệ phóng và 1 xe bệ phóng-tiếp đạn.
Buk hiện có 6 biến thể chính là Buk-М1, Buk-М2, Buk-М1-2, Buk-М2E, Buk-М3 và biến thể hải quân М-22 Uragan.
Trang bị chiến đấu của hệ thống có thể khác biệt đáng kể tùy thuộc ở biến thể. Nga sử dụng chủ yếu các hệ thống Buk-М1 và Buk-М2. Ngoài ra, hệ thống tên lửa phòng không Buk còn có trong trang bị 9 nước khác, trong đó có Belarus, Phần Lan, Syria, Ai Cập và Gruzia.
11. Xe chiến đấu bộ binh BMP-2
Thiết mã BMP-2 (mil.ru)
Xe chiến đấu bộ binh BMP-2 do Nhà máy chế tạo máy Kurgansk phát triển trên cơ sở BMP-1 vào nửa đầu thập niên 1970.
Xe được nhận vào trang bị vào năm 1977 và dừng sản xuất vào năm 2008.
BMP-2 được trang bị vỏ giáp thép cán chống đạn con và mảnh đạn pháo.
Xe có chiều dài 6,7 m, chiều rộng 3,2 m, chiều cao 2,5 m.
Kíp xe BMP-2 gồm 3 người. Xe có thể chở đến 7 lính đổ bộ.
BMP-2 được trang bị 1 pháo nòng rãnh 30 mm 2А42 với cơ số đạn 500 viên, các tên lửa chống tăng. Xe có thể chạy với tốc độ đến 65 km/h, dự trữ hành trình trên đường nhựa là gần 550 km.
Hiện nay, Lục quân Nga có trong trang bị gần 4.600 xe BMP-2. Ngoài ra, biến thể hải quân của BMP-2 được trang bị cho Bộ binh hải quân Nga (gần 200 chiếc) và Bộ đội nội vụ của Bộ Nội vụ Nga (gần 1.200 chiếc).
Trong lịch sử tồn tại, BMP-2 đã tham chiến ở Afghanistan và cuộc đảo chính ở Moskva năm 1993, các chiến dịch ở Chechnya lần thứ nhất và thứ hai, và chiến tranh ở Nam Ossetya.
BMP-2 có 5 biến thể chính, khác nhau ở vũ khí và vỏ giáp. Trong tương lai, BMP-2 và xe chiến đấu bộ binh thế hệ sau nó là BMP-3 sẽ bị thay thế bằng các xe chiến đấu bộ binh mới chế tạo trên cơ sở bệ mang thiết giáp hạng nặng tiêu chuẩn Armata.
12. Máy bay tiêm kích Su-27
Su-27 Flanker (mil.ru)
Máy bay tiêm kích hạng nặng Su-27 do Viện thiết kế OKB Sukhoi phát triển vào nửa cuối thập niên 1970.
Các máy bay sản xuất loạt đầu tiên bắt đầu được đưa vào trang bị vào năm 1984, song phải đến năm 1990, Su-27 mới chính thức được nhận vào trang bị.
Mệnh lệnh nhận Su-27 vào trang bị được ký sau khi các nhà thiết kế khắc phục được tất cả những khiếm khuyết phát hiện được trong quá trình thử nghiệm và sử dụng thử máy bay.
Nga chế tạo nhiều biến thể trên cơ sở Su-27 và máy bay này cũng tiếp tục được hiện đại hóa. NATO gọi Su-27 là Flanker.
Su-27 được thiết kế theo sơ đồ khí động thông thường và có thiết kế khí động kiểu tích hợp. Nhiều biến thể của máy bay như Su-27М, Su-30 hay Su-33 có cánh ngang phía trước.
Máy bay được trang bị hệ thống điều khiển điện từ xa, cho phép điều khiển máy bay hiệu quả hơn. Su-27 đã tạo ra một số thao tác bay cao cấp như “rắn hổ mang” và “Chakra Frolova” (bay lượn vòng cực nhỏ theo góc chúc ngóc).
Hiện Nga có gần 360 tiêm kích họ Su-27, trong đó có 53 chiếc trong biên chế của Hải quân Nga.
Máy bay có thể bay với tốc độ đến 2.500 km/h, bán kính chiến đấu tùy thuộc biến thể là từ 440-1.680 km. Tốc độ lên của máy bay là đến 345 m/s, mức trang bị sức kéo 1,1-1,2 tùy thuộc vào biến thể.
Su-27 được trang bị 1 pháo 30 mm và có 8-12 điểm treo cho tên lửa không đối không, không đối diện, rocket, bom có điều khiển và bom không điều khiển.
Đội bay trình diễn nổi tiếng của Nga “Russkye vityazi” bay biểu diễn trên các máy bay Su-27.
13. Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov (mil.ru)
Tuần dương hạm chở máy bay hạng nặng Đô đốc hạm đội Liên Xô Kuznetsov được đóng tại Nhà máy đóng tàu biển Đen theo thiết kế Projekt 11435. Tháng 12/1985, tàu được hạ thủy, năm 1991 được đưa vào trang bị. Tàu được biên chế cho Hạm đội phương Bắc Nga. Hiên nay, đây là tàu sân bay duy nhất trong biên chế hạm đội Nga.
Trong lịch sử tồn tại, tên của tàu đã được thay đổi một số lần. Trong thiết kế, tàu được gọi là “Liên Xô”, khi khởi đóng - “Riga”, khi hạ thủy - “Leonid Brezhnev, khi thử nghiệm - “Tbilisi”. Tàu được đặt tên hiện nay vào tháng 10/1990.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov có lượng giãn nước 61.400 tấn, chiều dài 306,5 m, chiều rộng 71,9 m và mớn nước 10,4 m. Tàu có khả năng chạy với tốc độ đến 29 hải lý/h, thời gian hoạt động độc lập trên biển 45 ngày đêm. Thủy thủ đoàn gồm 1.980 người, trong đó có 520 sĩ quan, 322 chuẩn úy và 1.138 thủy binh.
Tàu được thiết kế để triển khai 50 máy bay và trực thăng. Hiện nay, được triển khai trên tàu là các tiêm kích Su-33, máy bay huấn luyện chiến đấu Su-25UTG và trực thăng Ка-27.
Đô đốc Kuznetsov được trang bị 6 hệ thống pháo 30 mm 6 nòng AK-630 với cơ số đạn 48.000 viên, 12 bệ phóng tên lửa hành trình chống hạm Granit, 2 hệ thống chống ngầm RBU-12000, 4 hệ thống pháo phòng không Kortik và 4 hệ thống tên lửa phòng không Kinzhal.
Tháng 4/2010, có tin Hải quân Nga sẽ bắt đầu công việc sửa chữa và hiện đại hóa trên tàu Kuznetsov vào năm 2012 và kết thúc vào năm 2017.
Trong tương lai, Bộ Quốc phòng Nga dự định tăng cường đáng kể lực lượng tàu sân bay của Hải quân Nga. Tháng 2/2012, Tư lệnh Hải quân Nga khi đó Vladimir Vysotsky cho biết, đến năm 2014, thiết kế kỹ thuật của tàu sân bay mới của Hải quân Nga sẽ hoàn thành, bản thân tàu sân bay mới sẽ đóng xong sau năm 2020.
Nhu cầu tàu sân bay của hạm đội Nga trước đó được đánh giá là 4-6 tàu.
14. Trực thăng tiến công Mi-28N Thợ săn đêm
Mi-28N (mil.ru)
Trực thăng tiến công Mi-28N được phát triển trên cơ sở Mi-28 vào nửa đầu thập niên 1990.
Thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 11/1996 và được nhận vào trang bị của Không quân Nga vào tháng 10/2009.
Bộ Quốc phòng Nga đã mua tổng cộng 97 chiếc theo 2 hợp đồng năm 2005 và 2010. Đến nay, quân đội Nga đã nhận được 38 chiếc.
Ở giai đoạn đầu, các trực thăng không được trang bị hệ thống nhìn đêm.
Mi-28N có khả năng đạt tốc độ bay 300 km/h và tầm bay đến 450 km. Tổ lái gồm 2 người. Vũ khí của máy bay gồm 1 pháo 30 mm 2А42 với cơ số đạn 250 viên, các container treo gắn pháo, tên lửa và rocket không đối không, không đối diện, bom có và không điều khiển cỡ đến 500 kg. Mi-28N có 4 điểm treo vũ khí.
Hiện nay, Mi-28N được trang bị các hệ thống nhìn đêm, hệ thống dẫn tên lửa có điều khiển Tor và các hệ thống phát hiện mục tiêu mặt đất và trên không.
Chương trình vũ khí nhà nước Nga giai đoạn 2011-2020 dự định mua sắm và trang bị 200 chiếc Mi-28N với đơn giá ước 245-250 triệu rúp.
15. Tuần dương hạm tên lửa Moskva
Tuần dương hạm tên lửa Moskva, Kỳ hạm Hạm đội Biển Đen của Nga (mil.ru)
Tàu tuần dương hạm cận vệ Moskva do Nhà máy đóng tàu mang tên “61 chiến sĩ công xã” ở Nikolayev vào năm 1982, được đưa vào biên chế Hạm đội Biển Đen vào năm 1983. Đây là tàu đầu tiên của lớp Projekt 1164 Atlant.
Khi đóng, tuần dương hạm này có tên Slava, nhưng sau khi tuần dương hạm chống ngầm chở trực thăng Moskva Projekt 1123 Kondor bị thải loại vào tháng 11/1996, tàu đã thừa kế tên của nó và trở thành kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen.
Tháng 8/2008, tuần dương hạm Moskva đã tham gia cuộc chiến ở Nam Ossetya và hoạt động trong vùng biển của Abkhazia.
Tuần dương hạm tên lửa Moskva có chiều dài 186,4 m, chiều rộng 20,8 m, mớn nước 8,4 m và lượng giãn nước 11.500 tấn. Tàu có khả năng đạt tốc độ đến 32 hải lý/h, dự trữ hành trình đến 8.000 hải lý. Thủy thủ đoàn của tàu tuần dương Moskva là 510 người.
Tàu được trang bị 1 ụ pháo 130 mm АK-130, 6 hệ thống pháo phòng không 30 mm 6 nòng АK-630, 8 bệ phóng tên lửa hành trình chống hạm P-1000 Vulkan, 8 hệ thống tên lửa phòng không S-300FФ và 2 hệ thống tên lửa phòng không Osa-МА, cũng như 2 ống phóng lôi 533 mm. Trên bông tàu triển khai 1 trực thăng Ка-27.
16. Máy bay tiêm kích MiG-29
MiG-29 (mil.ru)
Tiêm kích hạng nhẹ MiG-29 được Viện thiết kế OKB MiG phát triển vào nửa đầu thập kỷ 1970, đưa vào trang bị vào năm 1983. Máy bay được NATO đặt tên là Fulcrum. Đã qua một số giai đoạn hiện đại hóa kể từ khi bắt đầu sản xuất, MiG-29 hiện vẫn được sản xuất, song đa phần để xuất khẩu.
Họ MiG-29 hiện có hơn 20 biến thể, trong đó có các biến thể tiêm kích trên hạm MiG-29K/KUB và biến thể trang bị vũ khí tăng cường MiG-29М2. Biến thể hiện đại hóa sâu của MiG-29 là MiG-35.
Máy bay có thiết kế khí động liên kết với cánh đặt thấp và 2 cánh đuôi đứng. MiG-29 có trọng lượng tối đa 18,5 tấn, có khả năng bay tốc độ đến 2.500 km/h, tầm bay thực tế là 1.400 km. Máy bay được trang bị 1 pháo hàng không 30 mm GSh-30-1 với cơ số đạn 150 viên và được trang bị 7 điểm treo vũ khí nặng đến 2,2 tấn.
Vũ khí của MiG-29 gồm các tên lửa không đối không và không đối diện, bom có điều khiển và bom không điều khiển.
Bộ Quốc phòng Nga hiện không còn mua số lượng lớn tiêm kích họ MiG-29. Tháng 2/2012, Nga đã mua sắm 24 tiêm kích trên hạm MiG-29K/KUB để biên chế cho tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga Đô đốc Hạm đội Liên Xô Kuznetsov.
17. Lựu pháo tự hành 2S3 Akatsya
2S3 Akatsya (mil.ru)
Lựu pháo tự hành Akatsya cỡ 152 mm mà biến thể đầu tiên là 2S3 được phát triển vào đầu thập niên 1960, trang bị từ năm 1971.
Trong thời gian sản xuất, pháo đã qua một số giai đoạn hiện đại hóa.
Hiện nay, các biến thể phổ dụng nhất trong quân đội là 2S3М và 2S3М1; từ năm 2006, biến thể 2S3М2 được nhận vào trang bị.
Theo các nguồn thông tin khác nhau, quân đội Nga hiện có 2.000-2.200 lựu pháo Akatsya thuộc các biến thể.
Akatsya lắp trên khung gầm xích có trọng lượng 27-28 tấn, tùy thuộc biến thể. Pháo tự hành này có thể chạy với tốc độ đến 60 km/h trên đường nhựa, dự trữ hành trình là gần 500 km.
Cơ số đạn pháo đến 60 viên. Akatsya có thể bắn các loại đạn xuyên giáp, lõm, tạo mảnh, phá- mảnh, bi, hóa học, chiếu sáng và hạt nhân. Ngoài ra, còn có các loại đạn gây nhiễu. Tầm bắn đến 30 km.
Trong lịch sử tồn tại, Akatsya đã tham chiến ở Afghanistan, 2 chiến dịch ở Chechnya và cuộc chiến ở Nam Ossetya.
Theo chương trình vũ khí nhà nước Nga giai đoạn 2011-2020, các biến thể cũ nhất của Akatsya trong trang bị sẽ dần bị thay thế bằng pháo tự hành mới 2S19 Msta-S cỡ 152 mm. Nhưng quân đội Nga sẽ không loại bỏ hoàn toàn pháo Akatsya.
18. Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 (mil.ru)
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf (NATO gọi là SA-21 Growler) do Liên hiệp NPO Almaz-Antei phát triển vào nửa đầu thập kỷ 2010, đưa vào trang bị quân đội Nga năm 2007.
Tiểu đoàn S-400 đầu tiên được triển khai ở thành phố Elektrostal, ngoại ô Moskva vào năm 2007, tiểu đoàn thứ hai bước vào trực chiến vào năm 2009.
Năm 2011, tại thành phố Dmitrov, tỉnh Moskva đã triển khai 2 tiểu đoàn S-400.
Đến nay, quân đội Nga đã nhận vào trang bị 5 tiểu đoàn S-400 (2,5 trung đoàn, 40 bệ phóng), 1 tiểu đoàn trong số đó triển khai ở tỉnh Kaliningrad.
Đến năm 2020, quân đội Nga dự định nhận được 56 tiểu đoàn S-400.
S-400 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly đến 600 km và bắn đồng thời 36 mục tiêu và dẫn đồng thời 72 tên lửa.
Tầm bắn tối đa chống mục tiêu bay là 400 km, chống tên lửa đường đạn chiến thuật là 60 km, độ cao tác chiến đến 30 km. Tốc độ mục tiêu cần diệt có thể đạt 4.800 m/s. Thời gian triển khai hệ thống từ trạng thái hành quân là không quá 10 phút, thời gian đưa vào sẵn sàng chiến đấu là không quá 5 phút.
Cuối tháng 3/2012, Bộ Quốc phòng Nga đã ký với Nhà máy chế tạo máy Avangard ở Moskva hợp đồng sản xuất tên lửa phòng không có điều khiển cho S-400. Nhà máy này sẽ cung cấp tên lửa trong vòng 3 năm. Hiện chưa rõ, quân đội Nga mua cụ thể những loại tên lửa nào.
S-400 có thể sử dụng các loại tên lửa 48N6Е, 48N6Е2 và 48N6Е3 của các hệ thống tên lửa phòng không S-300PM-1 và S-300PM-2, cũng như các tên lửa cải tiến 48N6DM. Ngoài ra, Nga đang phát triển cho S-400 các tên lửa 9М96Е và 9М96Е2, cũng như tên lửa tầm xa 40N6Е (tầm 400 km).
19. Máy bay ném bom chiến thuật Su-34
Su-34 (mil.ru)
Máy bay ném bom chiến thuật Su-34 được phát triển vào nửa cuối thập niên 1980, được cải tiến ngay ở giai đoạn tiền sản xuất loạt vào đầu thập niên 1990.
Máy bay Su-34 sản xuất loạt thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1994. Quân đội Nga bắt đầu nhận được Su-34 từ năm 2006, nhưng đến năm 2011 mới chính thức được nhận vào trang bị.
Tháng 8/2008, mặc dù chưa được nhận vào trang bị, Su-34 vẫn tham chiến ở Nam Ossertya.
Su-34 có tổ lái 2 người, có khả năng bay với tốc độ đến 1.900 km/h, tầm bay đến 4.000 km, bán kính chiến đấu 1.100 km, trần bay thực tế 17.000 m.
Máy bay được trang bị 1 pháo 30 mm GSh-301 và 12 điểm treo tên lửa có điều khiển và không điều khiển thuộc các loại không đối không và không đối diện, cũng như bom có điều khiển, bom không điều khiển và bom chùm. Su-34 có khả năng treo đến 8 tấn vũ khí.
Đến nay, Không quân Nga đã nhận được 22 chiếc Su-34. Đầu tháng 3/2012, Bộ Quốc phòng Nga đã ký với công ty Sukhoi hợp đồng mua 92 chiếc Su-34. Các máy bay này sẽ được chuyển giao trước cuối năm 2020. Bộ Quốc phòng Nga dự định trong 9 năm tới mua 124 chiếc Su-34.
20. Tên lửa đẩy Proton-M
Xe tải vũ trụ Proton-M (mil.ru)
Tên lửa đẩy hạng nặng Proton-M được sử dụng từ năm 2001 và đã thay thế cho tên lửa Proton-K. Giống như loại tiền nhiệm, Proton-M chỉ được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan và dùng để đưa vào vũ trụ các loại vệ tinh, kể cả vệ tinh quân sự, các khí cụ bay vũ trụ có điều khiển và không điều khiển, cũng như các trạm quỹ đạo.
Nga đã thực hiện từ Baikonur tổng cộng 63 lần phóng Proton-M, trong đó 58 lần thành công. Lần phóng đầu tiên diễn ra ngày 7/4/2001 khi Proton-M đưa lên quỹ đạo vệ tinh truyền hình Ekran-M.
Sau đó, tên lửa đã đưa vào vũ trụ các vệ tinh Intelsat, DirecTV, Ekspress và nhiều vệ tinh khác.
Lần phóng gần đây nhất cho đến hiện tại của Proton-M diễn ra hôm 17/5/2012. Khi đó, tên lửa đã đưa vệ tinh thông tin Telesat của Canada lên quỹ đạo.
Tên lửa Proton-M có thể gồm 3 hay 4 tầng, có chiều dài 58,2 m và trọng lượng phóng 705 tấn. Với cụm động cơ khởi tốc Briz-M, Proton có khả năng đưa vào vũ trụ tải trọng hữu ích nặng hơn 6 tấn. Kỷ lục là lần phóng Proton-M mang vệ tinh thông tin ViaSat của Mỹ nặng 6,74 tấn.
21. Tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko
Sát thủ tàu ngầm Đô đốc Chabanenko (mil.ru)
Tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko được đóng theo thiết kế Projekt 1155.1 và vào biên chế Hải quân Nga vào ngày 28/1/1999. Năm 2008, tàu đã tham gia cuộc tập trận chung VENRUS 2008 với Venezuela tại vùng biển Caribe.
Từ tháng 11/2009 đến tháng 4/2010, thủy thủ đoàn của tàu này đã làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải chống hải tặc Somalia ở vịnh Aden. Cảng nhà của tàu Đô đốc Chabanenko là Severomorsk.
Đô đốc Chabanenko có chiều dài 162,8 m và lượng giãn nước 8.900 tấn. Thủy thủ đoàn gồm 296 người, trong đó có 32 sĩ quan.
Tàu có khả năng chạy với vận tốc đến 32 hải lý/h, cự ly hành trình 3.500 hải lý và hoạt động độc lập trong vòng 30 ngày.
Tàu được trang bị hệ thống pháo 130 mm АK-130 với cơ số đạn 360 viên, các hệ thống tên lửa phòng không Kortik và Kinzhal, hệ thống chống ngầm RBU-12000, các ống phóng lôi 533 mm, các bệ phóng tên lửa chống hạm Moskit. Lực lượng máy bay trên tàu Đô đốc Chabanenko gồm 2 trực thăng (Ка-27PL và Ка-27RTs).
22. Hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U
Tochka-U (mil.ru)
Hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka được phát triển vào cuối thập niên 1960-đầu thập niên 1970 và đưa vào trang bị vào năm 1975.
Trên cơ sở Tochka, đã phát triển 2 biến thể là Tochka-U và Tochka-R, khác nhau ở hệ thống điều khiển và tên lửa. Biến thể Tochka-U với tên lửa được điều khiển trên toàn đường bay được nhận vào trang bị vào năm 1989.
Hiện nay, quân đội Nga sở hữu 160-200 hệ thống Tochka-U.
Hệ thống có thể chạy trên đường với tốc độ 60 km/h và dự trữ hành trình gần 650 km.
Tochka-U cần không quá 16 phút để chuẩn bị phóng từ trạng thái hành quân và không quá 2 phút từ trạng thái sẵn sàng.
Tùy thuộc chủng loại tên lửa sử dụng, tầm bắn của hệ thống là 70-120 km. Các tên lửa của Tochka-U có thể được trang bị phần chiến đấu phá-mảnh, chùm, hóa học và hạt nhân.
Trong lịch sử tồn tại, Tochka-U đã được sử dụng trong cả hai chiến dịch ở Chêchnya và trong chiến tranh ở Nam Ossetya.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga dự định thay thế dần Tochka-U bằng các hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật mới. Đồng thời, Tochka-U cũng sẽ không được hiện đại hóa nữa.
23.Tiêm kích đa năng Su-35
Su-35
Tiêm kích đa năng Su-35 được phát triển vào nửa đầu thập niên 2010, sản xuất loạt từ năm 2011 và dự định nhận vào trang bị vào năm 2015.
Đến nay, Nga đã sản xuất tổng cộng 7 máy bay, trong đó có 4 chiếc sản xuất loạt. Các máy bay này đã thực hiện hơn 500 chuyến bay thử.
Su-35 là biến thể hiện đại hóa sâu của Su-27. Su-35 có khả năng đạt tốc độ đến 2.400 km/h, tầm bay 3.600 km, trọng lượng cất cánh tối đa 34,5 tấn.
Máy bay được trang bị 1 pháo hàng không GSh-30-1 cỡ 30 mm và 12 điểm treo có thể mang đến 8 tấn vũ khí.
Su-35 có thể mang các tên lửa không đối không có điều khiển tầm ngắn, trung và xa, các tên lửa không đối diện, bom có và không điều khiển.
Bộ Quốc phòng Nga đã mua sắm tổng cộng 48 chiếc Su-35, việc chuyển giao sẽ hoàn thành vào năm 2015. Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình vũ khí nhà nước Nga, dự định mua và tiếp nhận trong giai đoạn 2015-2020 thêm 48 chiếc Su-35 để sử dụng song song với các tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 đang trong giai đoạn phát triển.
24. Hệ thống tên lửa bờ biển Redut
Redut (mil.ru)
Hệ thống tên lửa bờ biển chống hạm Redut được phát triển vào nửa đầu những năm 1960 và được nhận vào trang bị vào năm 1966. Năm 1974, Liên Xô phát triển tên lửa mới Progress có hệ thống trên khoang thay đổi cho hệ thống, năm 1977, tên lửa được khuyến nghị nhận vào trang bị cho các hệ thống tên lửa bờ biển Utes và Redut.
Hiện nay, trong trang bị của Hải quân Nga có 18 bệ phóng của hệ thống Redut.
Redut có khả năng di chuyển với tốc độ đến 40 km/h, cự ly hành trình 500 km. Kíp chiến đấu của xe gồm 5 người. Thời gian triển khai bệ phóng từ trạng thái hành quân không quá 30 phút.
Tên lửa có thể bay với tốc độ 1.200 km/h và tiêu diệt mục tiêu trên biển ở tầm đến 460 km. Tên lửa có thể mang đầu đạn nổ phá hay hạt nhân nặng không quá 1 tấn.
Một hệ thống Redut bao gồm 1 xe bệ phóng, các tên lửa P-35B và 3M44 Progress, các xe điều khiển và một đài radar cơ động.
Hệ thống có thể tiếp nhận thông tin chỉ thị mục tiêu từ các máy bay tuần tra bờ biển Tu-95D và trực thăng Ка-25Ts.
25. Hệ thống tên lửa phòng không S-300 Favorit
S-300 (mil.ru)
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 Favorit được phát triển vào nửa cuối thập niên 1960, nhận vào trang bị vào năm 1978. Nó là nền tảng cho các một họ các hệ thống tên lửa phòng không dành cho Bộ đội Phòng không, Hải quân và Lục quân Liên Xô/Nga, gồm gần 25 biến thể.
Năm 2011, Nga dừng sản xuất các biến thể S-300PS và S-300PM. Trong suốt thời gian sử dụng, S-300 chưa từng tham chiến.
Hệ thống có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly đến 300 km, tầm bắn mục tiêu bay ở tốc độ đến 2.800 m/s là gần 150 km. Một hệ thống có thể đồng thời bắn 36 mục tiêu và dẫn 72 tên lửa vào các mục tiêu đó. Thời gian triển khai S-300 là gần 5 phút.
Hệ thống S-300 Favorit bao gồm đài chỉ huy chiến đấu 55K6E, radar chiếu xạ mục tiêu và dẫn tên lửa 30N6E2, radar mọi độ cao 96L6E và radar độ cao nhỏ 76N6, radar phát hiện 64N6E2, đến 12 bệ phóng, mỗi bệ mang 4 tên lửa, một tháp anten.
Trong tương lai, Bộ Quốc phòng Nga dự định thay thế các hệ thống S-300 bằng các hệ thống mới S-400.
26. Tàu hộ vệ Yaroslav Mudry
Yaroslav Mudry (mil.ru)
Tàu hộ vệ Yaroslav Mudry được đóng theo thiết kế Projekt 1154.0 Yastreb và được đưa vào biên chế Hạm đội Baltic của Hải quân Nga vào năm 2009.
Người ta đã dự tính chuyển giao tàu này cho Hạm đội Biển Đen của Nga vào năm 2011 để duy trì chế độ tác chiến ở Biển Đen và Địa Trung Hải, nhưng việc chuyển giao đã không diễn ra.
Ngày 25/4/2012, được sự đồng ý của Tư lệnh Hạm đội Baltic, Phó đô đốc Viktor Chirkov, tàu đã được đặt dưới sự bảo trợ của người đứng đầu Hoàng tộc Nga, nữ đại công tước Maria Vladimirovna.
Các tàu Projekt 1154.0 dùng để bảo đảm phòng thủ chống tàu nổi và tàu ngầm cho các chiến hạm, tấn công các mục tiêu trên biển và ven bờ, chi viện cho lục quân tác chiến, cũng như bảo đảm hoạt động đổ bộ và thực hiện các nhiệm vụ khác.
Tàu Yaroslav Mudry có chiều dài 129,8 m, lượng giãn nước 4.500 tấn, có thể chạy với tốc độ đến 30 hải lý/h, cự ly hành trình đến 3.000 hải lý và hoạt động độc lập trên biển trong vòng 30 ngày đêm.
Thủy thủ đoàn gồm 214 người, trong đó có 27 sĩ quan. Tàu chở được 1 trực thăng trên hạm Ка-27. Vũ khí của tàu gồm 1 ụ pháo АК-100, các tên lửa chống hạm Kh-35, các hệ thống ngư lôi chống ngầm cỡ 533 mm, các hệ thống tên lửa phòng không Kortik và Kinzhal, 1 ụ phóng bom phản lực chống ngầm RBU-6000.
27. Hệ thống rocket phóng loạt BM-21 Grad
Bão lửa BM-21 Grad (mil.ru)
Hệ thống rocket phóng loạt BM-21 Grad được phát triển trong thập niên 1960, sử dụng khung gầm xe tải 6 bánh lốp Ural.
BM-21 dùng để tiêu diệt sinh lực đối phương, vũ khí trang bị, các trận địa pháo, cối, sở chỉ huy, kho tàng và các mục tiêu khác.
Xe chiến đấu có trọng lượng 13,7 tấn, kíp xe gồm 3 người. BM-21 có khả năng chạy với tốc độ đến 75 km/h và cự ly hành trình đến 750 km. Thời gian hệ thống chuyển trạng thái từ hành quân sang chiến đấu là 3,5 phút.
Tùy thuộc vào biến thể, hệ thống Grad có thể có tới 50 nòng, bắn các loại đạn rocket 122 mm, trong đó có đạn phá-mảnh, chống tăng, tạo khói và gây nhiễu. BM-21 có tầm bắn đến 40 km, diện tích sát thương đến 14,5 ha, thời gian bắn hết cả loạt là 20 s.
Hiện nay, các hệ thống Grad trong quân đội Nga đang được thay thế dần bằng các hệ thống rocket phóng loạt thế hệ mới Tornado-G được chế tạo dựa trên cơ sở BM-21.
28. Tiêm kích trên hạm Su-33
Su-33 (wikipedia.org)
Máy bay tiêm kích trên hạm Su-33 (NATO gọi là Flanker-D) được phát triển dựa trên cơ sở tiêm kích Su-27 và thực hiện chuyến bay đầu vào năm 1987.
Su-33 là máy bay tiêm kích thế hệ 4 và được nhận vào trang bị Hải quân Nga vào năm 1998.
Su-33 dùng để tiêu diệt máy bay đối phương một cách độc lập, cũng như khi có sự yểm trợ của các cụm tàu sân bay, khi thực hiện các nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa.
Máy bay Su-33 được thiết kế cho một phi công điều khiển, có trọng lượng cất cánh tối đa 33 tấn, tốc độ tối đa 2.300 km/h, tầm bay 3.000 km, trần bay thực tế 17 km.
Su-33 có thể mang 6,5 tấn vũ khí và có 12 mấu treo. Vũ khí của Su-33 bao gồm 1 pháo 30 mm GSh-30-1 với cơ số đạn 150 viên, tên lửa có điều khiển và rocket các loại, bom không điều khiển và bom chùm.
Dự kiến, tuổi thọ của các máy bay Su-33 trong trang bị Hải quân Nga sẽ hết vào năm 2015. Sau đó, nền tảng của không quân tiêm kích trên hạm Nga, theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, sẽ là các máy bay tiêm kích MiG-29К.
29. Hệ thống tên lửa đường đạn xuyên lục địa Topol-M
Topol-M (mil.ru)
Hệ thống tên lửa đường đạn xuyên lục địa Topol-M (NATO gọi là Sickle) được chế tạo theo 2 biến thể: triển khai trong giếng phóng và xe bệ phóng tự hành.
Hệ thống sử dụng các tên lửa đường đạn xuyên lục địa thế hệ 5 RT-2PM2 và RT-2PM1 do Viện Kỹ thuật nhiệt Moskva phát triển và mang được một đầu đạn hạt nhân.
Các tên lửa có khả năng chống chịu cao trước các yếu tố sát thương của vụ nổ hạt nhân, có hệ thống đột phá phòng thủ tên lửa mạnh và có thể sử dụng hiệu quả để tiêu diệt các mục tiêu nằm trong kế hoạch và phát sinh.
Ở biến thế triển khai trong giếng phóng (RT-2PM2), tên lửa được nhận vào trang bị vào tháng 4/2000, ở biến thể cơ động (RT-2PM1), tên lửa được nhận vào trang bị vào tháng 12/2006.
RT-2PM1 và RT-2PM2 là các tên lửa 3 tầng, nhiên liệu rắn, có chiều dài 21 m, đường kính 1,8 m, trọng lượng 47,2 tấn. Trọng lượng phần chiến đấu của tên lửa là 1,2 tấn, trong đó trọng lượng đầu đạn hạt nhân là 550 kg (550 kT). Tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu trong bán kính đến 11.500 km.
Hiện nay, Bộ đội Tên lửa chiến lược Nga (RVSN) đang chuyển sang các hệ thống tên lửa tối tân Yars trang bị tên lửa RS-24. Trong tương lai, các hệ thống Yars cơ động sẽ thay thế Topol-M. Nga dự định chỉ giữ lại trong trang bị các tên lửa Topol triển khai trong giếng phóng.
30. Trực thăng vận tải-chiến đấu Mi-8MT
Mi-8 (mil.ru)
Trực thăng vận tải-chiến đấu Mi-8МТ là biến thể hiện đại hóa của trực thăng đa năng Mi-8 dành cho quân đội Nga.
Nhiệm vụ chính của trực thăng là nâng cao sức mạnh hỏa lực và sức cơ động của các đơn vị lục quân.
Nhờ tính đơn giản trong khai thác, Mi-8 được đặt biệt danh là “con ong thợ”.
Ngoài Nga, trực thăng Mi-8 ở các biến thể khác nhau đang có trong trang bị mấy chục quốc gia. Mi-8 đang được xuất khẩu với tên gọi Mi-17/Mi-171.
Theo thông tin của Flightglobal MiliCAS, quân đội Afghanistan hiện có 55 trực thăng Mi-8 và Mi-17. Tháng 6/2012, Nga đồng ý bán cho Mỹ để sau đó chuyển cho Afghanistan thêm 12 trực thăng Mi-17V5.
Mi-8МТ có tổ lái 2-3 người và chở được 24 binh sĩ hay 12 cáng thương. Trực thăng có thể bay với tốc độ đến 250 km/h và tầm bay 520 km ở độ cao đến 5 km. Mi-8MT có thể được trang bị 6 điểm treo vũ khí. Mi-8МТ có thể được lắp các súng máy PKT ở mũi hoặc ở đuôi, súng trọng liên NSV Utes, cũng như các súng phóng lựu AGS-17 Plamya.
31. Súng máy bộ binh PKP Pecheneg
PKP Pecheneg (russianguns.ru)
Súng máy Pecheneg do Viện Nghiên cứu trung ương Chế tạo máy chính xác (TsNIITOCHMASH) phát triển dựa trên súng máy PK cỡ 7,62 mm.
Súng máy này dùng để tiêu diệt sinh lực và hỏa điểm đối phương. PKP được trang bị cho nhiều đơn vị quân đội và Bộ Nội vụ Nga, và đã được sử dụng trong các chiến dịch trấn áp phiến quân ở Chechnya.
So với các mẫu súng tương tự hiện có, Pecheneg có độ chụm lớn hơn cả khi bắn khi từ giá súng 2 chân (đến 2,5 lần), cũng như khi bắn từ giá súng 3 chân (đến 1,5 lần).
Pecheneg không có nòng thay thế và có khả năng bắn liên thanh đến 400 viên mà hiệu quả bắn không bị suy giảm. Dung lượng hộp đạn từ 100-200 viên.
Với sơ tốc đạn 825 m/s, Pecheneg có khả năng tiêu diệt chính xác mục tiêu ở tầm đến 1,5 km.
Tháng 2/2012, có tin các đơn vị trinh sát của Bộ đội Đổ bộ đường không Nga đã sử dụng thử thành công súng máy Pecheneg với máy ngắm ảnh nhiệt mới Shakhin.
Hiện nay, Nga cũng đang phát triển biến thể cải tiến Pecheneg-2. Dự kiến, súng máy mới sẽ tương thích tốt hơn với xe thiết giáp của Nga và khi bắn sẽ không làm lộ vị trí bắn bởi chớp lửa đầu nòng.
Ngoài súng máy Pecheneg, TsNIITOCHMASH cũng đã phát triển hàng loạt mẫu súng tương lai cho quân đội và các cơ quan công lực Nga, trong đó có súng trường tiến công không kêu Val, súng bắn tỉa Vintorez và súng trường tiến công bắn dưới nước APS.
32. Tàu đổ bộ cỡ lớn Tsezar Kunikov
Tàu đổ bộ cỡ lớn Tsezar Kunikov (mil.ru)
Tàu đổ bộ cỡ lớn BDK-64 được đóng theo thiết kế Projekt 775 tại xưởng đóng tàu ở Gdansk, Ba Lan và năm 1986 được đưa vào biên chế Hạm đội Biển Đen của Liên Xô.
Năm 1989, BDK-64 được mang tên Thiếu tá Hồng quân, Anh hùng Liên Xô Tsezar Kunikov.
Hiện nay, tàu này thuộc biên chế Lữ đoàn tàu đổ bộ 197 của Hạm đội Biển Đen và thường xuyên tham gia các cuộc tập trận và huấn luyện chiến đấu của hạm đội.
Các tàu lớp Projekt 775 có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong đội hình cụm tàu đổ bộ, cũng như độc lập, không có các tàu yểm trợ.
Tàu đổ bộ này được thiết kế để chở 1 tiểu đoàn và có khả năng chở được đến 225 lính đổ bộ và 500 tấn hàng.
Các tàu lớp này dùng để tiếp nhận, vận chuyển và sau đó đổ bộ các loại binh khí kỹ thuật bánh xích và bánh lốp. Ngoài ra, tàu đổ bộ cỡ lớn này có thể sử dụng để rải thủy lôi (tàu có thể mang đến 90 quả thủy lôi), bảo đảm cho các tàu và các đơn vị của hạm đội, cũng như vận chuyển quân và sơ tán dân chúng.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Tsezar Kunikov có lượng giãn nước 4.080 tấn và có khả năng chạy với tốc độ đến 17,8 hải lý/h, cự ly hành trình 6.000 hải lý, thời gian hoạt động độc lập 30 ngày đêm, thủy thủ đoàn 87 người.
Vũ khí của tàu gồm 2 ụ pháo 2 nòng АК-725 cỡ 57 mm, 2 hệ thống rocket phóng loạt 20 nòng Grad và các hệ thống tên lửa phòng không mang vác Strela-2.
33. Máy bay tiêm kích thế hệ 5 Т-50 (PAK FA)
Т-50 (PAK FA)
Công ty Sukhoi bắt đầu phát triển tiêm kích tương lai từ năm 2002. Т-50 (PAK FA) thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2010, xuất hiện công khai làn đầu tiên vào ngày 17/8/2011 tại Triển lãm hàng không-vũ trụ quốc tế (MAKS) ở Zhukovsky.
Т-50 được phát triển theo các yêu cầu đặt ra đối với tiêm kích thế hệ 5, dùng để thay thế các tiêm kích Su-27 trong Không quân Nga.
Nhiều tính năng kỹ thuật của Т-50 vẫn được bảo mật. Người ta chỉ biết rằng, máy bay sẽ được phủ lớp phủ kim loại đặc biệt cho vòm kính buồng lái để bảo vệ phi công chống bức xạ mặt trời, cũng như để giảm độ bộc lộ radar của máy bay. Máy bay cũng sẽ được trang bị radar anten mạng pha chủ động và các thiết bị điện tử hàng không tối tân khác.
PAK FA có thể chuyển sang bay siêu âm mà không cần dùng đến chế độ tăng lực và thực hiện cơ động với mức quá tải lớn. Thân vỏ Т-50 được làm theo công nghệ tàng hình.
Hiện nay, ba mẫu chế thử PAK FA đã thực hiện hơn 120 chuyến bay thử nghiệm. Trong năm nay, mẫu thứ tư với số hiệu 54 cũng sẽ tham gia thử nghiệm.
Т-50 do một phi công điều khiển, có khả năng đạt tốc độ bay đến 2.600 km/h và tầm bay đến 4.300 km ở độ cao đến 20 km. Với trọng lượng cất cánh tối đa 37 tấn, máy bay có thể mang tới 10 tấn vũ khí khác loại, bao gồm 1 pháo 30 mm GSh-30-1, các loại tên lửa có điều khiển với các tầm bắn khác nhau, bom có điều khiển. Т-50 có thể lắp 8 giá treo ngoài và 10 giá treo trong để treo vũ khí. Nga đang phát triển cho PAK FA tổng cộng hơn 10 loại vũ khí tối tân.
No comments:
Post a Comment